Thứ Tư, 02/10/2024 09:26 SA
Cần có nhiều điểm phân phối hàng Việt ở thị trường nông thôn
Thứ Năm, 17/03/2011 08:34 SA

Hiện nay, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” của tỉnh ta từng bước phát huy hiệu quả, tạo được sự chuyển biến về nhận thức của người dân về chất lượng, giá trị của hàng Việt.

 

cho110317.jpg
Một doanh nghiệp tham gia “Đưa hàng Việt về nông thôn” ở huyện Đồng Xuân - Ảnh: X.HUY

 

Qua đó, giúp người tiêu dùng ngày càng tin yêu hàng Việt. Tuy nhiên, dường như các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn tham gia chương trình này theo kiểu phong trào, hình thức bởi các doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng các điểm phân phối hàng hóa xuyên suốt sau khi kết thúc các chuyến “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Do đột ngột “bỏ trống trận địa” nên hàng hóa của doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập khác.

 

Theo ý kiến của một số doanh nghiệp từng tham gia các chuyến “Đưa hàng Việt về nông thôn”, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nếu thiết lập các điểm phân phối xuyên suốt bởi vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của Nhà nước. Hầu hết các doanh nghiệp ở tỉnh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lại thiếu liên doanh - liên kết, hạn chế nguồn nhân lực, tài chính để có thể thiết lập các điểm phân phối hàng hóa về thị trường nông thôn. Do đó, phương thức giao dịch chủ yếu của doanh nghiệp là mua đứt bán đoạn thông qua các chợ, đại lý khác nhau. Nhưng hiện nay, thường thì chợ, đại lý lấy hàng từ nhiều doanh nghiệp khác nhau nên bản thân mỗi doanh nghiệp không thể kiểm soát được giá cả, hàng hóa của mình khi đến tay người tiêu dùng nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, đại lý dễ dàng kiểm soát thị trường nông thôn, tự định ra mức giá sản phẩm cho người tiêu dùng với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Doanh nghiệp có muốn cũng khó bình ổn giá bán cũng như nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

 

Do vậy, các doanh nghiệp trong  tỉnh cần nhanh chóng xây dựng các điểm phân phối của chính doanh nghiệp theo chính sách “đồng nhất giá bán” tại thị trường nông thôn. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong chiến lược phát triển các điểm phân phối, có thể lựa chọn vài đại lý có uy tín để làm kênh phân phối của riêng mình, kèm theo quyền lợi và trách nhiệm: trả lương, trích phần trăm, miễn chiết khấu, tích cực quảng bá, bán đúng giá sản phẩm của doanh nghiệp... Ngoài ra, các đại lý này sẽ giúp doanh nghiệp phân phối sản phẩm, chuẩn bị nguồn nhân lực hay đứng ra tiếp nhận các khiếu nại của khách hàng. Khi lựa chọn được đại lý, doanh nghiệp có thể đưa ra hợp đồng ràng buộc để ngăn chặn đại lý bán sản phẩm với giá cao hơn doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm với khách hàng hay thậm chí trà trộn sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

 

Trong quá trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, doanh nghiệp có thể tự đánh giá, lựa chọn thị trường tiêu thụ tiềm năng, thị trường chủ lực để bám trụ về lâu dài. Do vậy, hy vọng trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều điểm phân phối của doanh nghiệp tại thị trường nông thôn, nhằm góp phần hơn nữa vào hiệu quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

             

 

TRƯỜNG PHÚ

     (phường 9, TP Tuy Hòa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek