Thứ Tư, 27/11/2024 11:35 SA
Phấn đấu xóa nghèo theo tiêu chí mới
Thứ Năm, 17/03/2011 13:34 CH

Người có thu nhập bình quân dưới 400.000 đồng/tháng ở nông thôn và 500.000 đồng/tháng ở thành thị được xem là người nghèo theo tiêu chí mới.

 

Phấn đấu xóa hộ nghèo theo tiêu chí mới ở Phú Yên là cuộc chiến khá gian nan. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, đó là chính sách xã hội tổng thể lồng ghép nhiều chương trình quốc gia như 134, 135, đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ xóa nhà tạm, hỗ trợ tạo vốn sản xuất.

 

Kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển, hoạt động có ý nghĩa nhất là chiến lược, chính sách, kế hoạch, biện pháp của tỉnh và các cấp chính quyền để xóa nghèo cho bộ phận dân cư có thu nhập thấp. Đó chính là mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh đầy nhân bản.

                            

VĂN KHÚC

Cần có nhiều điểm phân phối hàng Việt ở thị trường nông thôn 

 

Hiện nay, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” của tỉnh ta từng bước phát huy hiệu quả, tạo được sự chuyển biến về nhận thức của người dân về chất lượng, giá trị của hàng Việt. Qua đó, giúp người tiêu dùng ngày càng tin yêu hàng Việt. Tuy nhiên, dường như các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn tham gia chương trình này theo kiểu phong trào, hình thức bởi các doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng các điểm phân phối hàng hóa xuyên suốt sau khi kết thúc các chuyến “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Do đột ngột “bỏ trống trận địa” nên hàng hóa của doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập khác.

 

Theo ý kiến của một số doanh nghiệp từng tham gia các chuyến “Đưa hàng Việt về nông thôn”, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nếu thiết lập các điểm phân phối xuyên suốt bởi vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của Nhà nước. Hầu hết các doanh nghiệp ở tỉnh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lại thiếu liên doanh - liên kết, hạn chế nguồn nhân lực, tài chính để có thể thiết lập các điểm phân phối hàng hóa về thị trường nông thôn. Do đó, phương thức giao dịch chủ yếu của doanh nghiệp là mua đứt bán đoạn thông qua các chợ, đại lý khác nhau. Nhưng hiện nay, thường thì chợ, đại lý lấy hàng từ nhiều doanh nghiệp khác nhau nên bản thân mỗi doanh nghiệp không thể kiểm soát được giá cả, hàng hóa của mình khi đến tay người tiêu dùng nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, đại lý dễ dàng kiểm soát thị trường nông thôn, tự định ra mức giá sản phẩm cho người tiêu dùng với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Doanh nghiệp có muốn cũng khó bình ổn giá bán cũng như nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

 

Do vậy, các doanh nghiệp trong  tỉnh cần nhanh chóng xây dựng các điểm phân phối của chính doanh nghiệp theo chính sách “đồng nhất giá bán” tại thị trường nông thôn. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong chiến lược phát triển các điểm phân phối, có thể lựa chọn vài đại lý có uy tín để làm kênh phân phối của riêng mình, kèm theo quyền lợi và trách nhiệm: trả lương, trích phần trăm, miễn chiết khấu, tích cực quảng bá, bán đúng giá sản phẩm của doanh nghiệp... Ngoài ra, các đại lý này sẽ giúp doanh nghiệp phân phối sản phẩm, chuẩn bị nguồn nhân lực hay đứng ra tiếp nhận các khiếu nại của khách hàng. Khi lựa chọn được đại lý, doanh nghiệp có thể đưa ra hợp đồng ràng buộc để ngăn chặn đại lý bán sản phẩm với giá cao hơn doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm với khách hàng hay thậm chí trà trộn sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

 

Trong quá trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, doanh nghiệp có thể tự đánh giá, lựa chọn thị trường tiêu thụ tiềm năng, thị trường chủ lực để bám trụ về lâu dài. Do vậy, hy vọng trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều điểm phân phối của doanh nghiệp tại thị trường nông thôn, nhằm góp phần hơn nữa vào hiệu quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

             

 

TRƯỜNG PHÚ

     (phường 9, TP Tuy Hòa)

 

Một doanh nghiệp tham gia “Đưa hàng Việt về nông thôn” ở huyện Đồng Xuân - Ảnh: X.HUY

 

Bạn đọc tiếp tục hỗ trợ các gia đình khó khăn

 

Thông qua chương trình Xã hội - Từ thiện Báo Phú Yên, các chị Nguyễn Thị Tơ, Nguyễn Thị Ngọc Hòa, Nguyễn Thị Xuân… là các hội viên Hội từ thiện Tình Thương Phú Yên (28 Nguyễn Huệ, phường 5, TP Tuy Hòa) và UBND xã An Cư (huyện Tuy An) vừa đến thăm, giúp gia đình cụ Ngô Thị Thấn (thôn Phú Tân, xã An Cư) 1 triệu đồng và phần quà. Cụ Thấn già yếu nhưng hàng ngày phải ra chợ xin và tìm hái lá thuốc chữa trị căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối cho con gái là chị Lê Thị Bảy. Đây là lần thứ 2, các hội viên Hội từ thiện Tình Thương Phú Yên giúp đỡ mẹ con cụ Thấn.

 

Chị Võ Thị Ngọc Hạnh (xã An Hòa, huyện Tuy An) là em gái của anh Võ Ngọc Tân (Việt kiều Mỹ) cùng Báo Phú Yên đến thăm và trao 100USD cho cháu Nguyễn Thị Linh (10 tuổi, ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa). Cháu Linh mồ côi cả cha lẫn mẹ, bản thân lại bị mắc bệnh ung thư xương đang được bà ngoại già yếu chăm sóc. Trước Tết Tân Mão, anh Võ Ngọc Tân về quê hương đón tết đã giúp cháu Linh 5 triệu đồng để chữa bệnh.

 

Vợ chồng anh chị Đoàn Tuấn Đạt, Kiều Thị Hồng Phương (khu phố Nguyễn Du, phường 7, TP Tuy Hòa) cùng Báo Phú Yên đến thăm hỏi, động viên và giúp 700.000 đồng cho gia đình anh Nguyễn Văn Vinh (thôn Phú Thịnh, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa). Vợ anh Vinh qua đời vì bệnh khô tủy sống, anh phải nuôi ba con còn rất nhỏ và người mẹ vợ mù lòa.

 

Bà Diệp Thị Phượng (43 Nguyễn Chí Thanh, phường 7, TP Tuy Hòa) cùng Báo Phú Yên và Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Hòa vừa đến thăm hỏi, động viên, trao 1 triệu đồng cho chị Đoàn Thị Hồng Lưa (thôn Mậu Lâm Bắc, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa). Gia đình chị Lưa thuộc diện hộ nghèo, bản thân chị bị tật nguyền do di chứng chất độc hóa học.

 

Các chị Đỗ Thị Minh Hồng, Phạm Thị Lãnh, Lê Thị Nhung… đại diện nhóm Nhân Ái (TP Tuy Hòa) đã đến thăm, trao 2 triệu đồng, 20kg gạo, thùng mì gói cùng với dầu ăn, đường, bột ngọt, nước mắm… giúp gia đình anh Nguyễn Khanh (xã An Chấn, huyện Tuy An). Anh Khanh bị tai nạn giao thông, liệt một bên thân thể gần 5 năm nay, mẹ anh - bà Nguyễn Thị Mạng, bị ung thư gan giai đoạn 2 đang phải hóa trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Cả hai mẹ con đang sống trong sự cưu mang đùm bọc của người dì và bà con chòm xóm.

 

Bà Nguyễn Thị Lan (khu phố Nguyễn Trung Trực, phường 8, TP Tuy Hòa) cùng Báo Phú Yên đến thăm và giúp 500.000 đồng cho gia đình chị Phạm Thị Thơ (khu phố Ninh Tịnh 2, phường 9, TP Tuy Hòa). Chị Thơ có con trai Nguyễn Thành Long mắc bệnh bại não sống thực vật 12 năm.

 

Bà Lê Thị Luận (phường 5, TP Tuy Hòa) phối hợp với Báo Phú Yên đến thăm và giúp 3 gia đình có hoàn cảnh khó khăn gồm: Lư Thanh Phương (khu phố 4, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa); cụ Trần Thị Đi (thôn Phú Thịnh, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa); Võ Cường (thôn 1, xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa). Mỗi gia đình nhận được 500.000 đồng và 1 thùng mì gói. Chị Luận cho biết, số tiền này là của chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (đang sinh sống tại Mỹ) gửi về giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

 

Hai chị Lê Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Quỳnh Trang (hiệu uốn tóc Thanh Phương, phường 7, TP Tuy Hòa) cùng Báo Phú Yên vừa đến thăm gia đình anh Trần Quốc Đạo (khu phố Chu Văn An, phường 5, TP Tuy Hòa) có con trai bị bại não và gia đình ông Nguyễn Văn Cu (phường 8, TP Tuy Hòa) bị mù lòa. Hai chị đã giúp mỗi gia đình 400.000 đồng và phần quà trị giá 100.000 đồng.

                              

Nhóm PV

Bà Nguyễn Thị Tơ, đại diện Hội từ thiện Tình Thương Phú Yên, thăm hỏi và giúp đỡ cụ Ngô Thị Thấn (xã An Cư, huyện Tuy An)    - Ảnh: P.V

                                                                    

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek