Anh Đặng Hùng Dũng (huyện Đồng Xuân) hỏi: Nơi tôi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu không có chuyên khoa răng. Nếu tôi đến bệnh viện chuyên khoa để chữa trị thì có được thanh toán chi phí khám chữa răng không? Nếu được thì thủ tục như thế nào và thanh toán bao nhiêu?
Trả lời:
Theo hướng dẫn của Thông tư số 09/2009/TTLT - BYT - BTC có hiệu lực từ ngày 1/10/2009, người lao động khi đi khám chữa bệnh thực hiện đúng thủ tục khám chữa bệnh BHYT như: xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh, đi khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ghi trên thẻ. Nếu vượt quá khả năng chuyên môn, cơ sở khám chữa bệnh ban đầu sẽ chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế thì phải có giấy giới thiệu chuyển viện của cơ sở khám chữa bệnh ban đầu và người lao động sẽ được hưởng 80% quyền lợi khám chữa BHYT theo quy định ngay tại cơ sở khám chữa bệnh.
Trường hợp người lao động xuất trình thẻ BHYT và có giấy tờ tùy thân có ảnh nhưng đi khám chữa bệnh không đúng cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật thì được quỹ BHYT thanh toán 70% chi phí đối với trường hợp khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh hạng III, 50% chi phí đối với cơ sở khám chữa bệnh hạng II và 30% chi phí đối với cơ sở khám chữa bệnh hạng I.
Trường hợp khám chữa bệnh tại cơ sở y tế không ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT, hoặc không thực hiện đủ thủ tục khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở có ký hợp đồng BHYT thì người bệnh tự thanh toán chi phí khám, chữa bệnh với cơ sở y tế, sau đó mang chứng từ đến BHXH để thanh toán, tùy theo dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh được cung cấp, tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế và chứng từ hợp lệ, BHXH thanh toán cho người bệnh theo chi phí thực tế nhưng mức tối đa không vượt quá mức quy định của phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 09/2009/TT - BYT (từ 55.000 đồng đến 340.000 đồng/đợt điều trị ngoại trú).
(VĂN PHÒNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT LĐLĐ TỈNH)