Sự phát triển kinh tế của nước ta đang thể hiện qua quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là với cơ chế thị trường làm cho nguồn tài nguyên thiên nhiên bị đe dọa nghiêm trọng, một trong những biểu hiện cụ thể chính là ô nhiễm môi trường, nó đã và đang tác động xấu đến sự sinh tồn của con người. Hiện nay, thực trạng về ô nhiễm môi trường sinh thái đang trở thành một trong những vấn đề hết sức quan tâm và lo lắng không chỉ ở nước ta mà trên phạm vi toàn cầu, bởi những tác hại của sự suy thoái và ô nhiễm môi trường gây ra như thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu… đã và đang ảnh hưởng đến các yếu tố phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Rác thải sinh hoạt đang gây ô nhiễm môi trường tại xã Hòa Vinh (Đông Hòa) - Ảnh: QUANG THUẦN
Một thực tế không thể phủ nhận về những thành tựu của khoa học, kỹ thuật đã giúp con người mở rộng quy mô khai thác tự nhiên, đem về những giá trị thặng dư khổng lồ, tuy nhiên, công nghiệp càng mở rộng quy mô hoạt động thì tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái càng bị bóc lột, hủy hoại nhiều hơn. Trong khi hiện nay chúng ta đang hô hào phát triển bền vững trên mọi phương diện, nhưng về khía cạnh môi trường khi nhìn vào những hành vi ứng xử của con người đối với môi trường thì rõ ràng không thể nào bền vững được.
Sự suy thoái và ô nhiễm môi trường thể hiện qua nhiều hình thức và những tác hại khác nhau như: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm lương thực, thực phẩm; gây biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, mất dần tính đa dạng sinh học, tính ổn định của các hệ sinh thái; nó ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, tác động tức thời và tác động lâu dài đến sự tồn tại và phát triển của loài người, một trong những vấn đề cụ thể hóa nhất là khi chất lượng môi trường càng xấu thì bệnh tật càng nhiều, số người ốm đau sẽ tăng lên làm ảnh hưởng và kìm hãm đến chỉ số phát triển con người.
Trên thực tế, hiện nay vẫn đang tồn tại một lối sống tiêu dùng phung phí, xa xỉ đến mức phi lý, đó là để sắm sửa, trang trí nhà cửa, người ta tìm và chọn những bộ cánh cửa, bàn, ghế, tủ gỗ cầu kỳ bằng những thứ gỗ lớn và quý hiếm; để thỏa mãn, người ta săn bắn, giết chóc động vật hoang dã, khai thác bừa bãi thủy hải sản làm cho tính đa dạng sinh học suy giảm; sự phát triển các phương tiện giao thông tăng nhanh chóng nên nhu cầu năng lượng tăng lên; các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, hải sản không ngừng được xây dựng, nhưng họ chỉ chú ý đến lợi nhuận về kinh kế mà coi thường đến những yếu tố gìn giữ, bảo vệ môi trường nước, môi trường sinh thái; xử lý rác thải cũng là một vấn đề hết sức bất cập…
Hậu quả của sự suy thoái môi trường nguy hại hơn cả là dẫn đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu, khủng hoảng năng lượng, lương thực… Do đó, việc phổ biến nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng trong mối quan hệ giữa con người với môi trường trong quá trình tiến hành hiện đại hóa xã hội đến mỗi người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp thiết.
Để làm chuyển biến về chất trong quá trình nhận thức, ứng xử và hành động của con người đối với môi trường, mỗi cá nhân trong toàn xã hội phải xác định ngăn chặn sự suy thoái của môi trường là trách nhiệm không của riêng ai, mà là của tất cả mọi người. Vậy nên ngoài việc nghiên cứu, tuyên truyền thì công tác phổ cập, giáo dục những kiến thức về tác hại của sự suy thoái môi trường đối với sự sinh tồn của con người phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, sâu rộng đến mọi tầng lớp dân cư, mọi thành phần xã hội, ở mọi vùng, miền… để toàn thể cộng đồng cùng tham gia tích cực, có hiệu quả vào công tác bảo vệ môi trường nhằm biến những chủ trương, chính sách, các điều luật về bảo vệ môi trường trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người, mọi tầng lớp trong xã hội. Bên cạnh đó, cần làm rõ mối quan hệ, ứng xử đúng đắn giữa con người với môi trường được biểu hiện qua việc sử dụng, khai thác đất đai, không khí, tài nguyên nước, khoáng sản, đa dạng sinh học và tất cả các sinh vật sống; có ý thức bảo vệ tự nhiên, loại bỏ lối sống vị kỷ hẹp hòi; tôn trọng môi trường sinh thái… chính là lương tâm và đạo đức của mỗi chúng ta đối với sự sinh tồn của thế hệ tương lai.
Để được sống trong một môi trường thật sự trong lành chúng ta không chỉ nghiên cứu, sử dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại để xử lý, hạn chế, mà còn phải điều chỉnh hành vi, thái độ của mình trong ứng xử với môi trường sống, đồng thời xem đó là thước đo để đánh giá tiêu chuẩn về trình độ nhận thức, phẩm chất đạo đức, văn minh của mỗi thành viên trong xã hội. Muốn có được điều đó, nên đề cao chuẩn mực đạo đức của con người trong hành vi ứng xử với môi trường sinh thái, để mỗi cá nhân trong xã hội thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững của một xã hội tiên tiến.
TRƯƠNG ĐỨC THUẬN
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên)