Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chỉ cho phép các cháu học ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3.
Đây là một quy định đúng đắn bởi ngôn ngữ thứ hai chỉ được tiếp thu tốt khi đã biết đọc, biết viết tương đối thành thạo tiếng mẹ đẻ – nền tảng tối thiểu để nắm vững một ngôn ngữ khác.
Thế nhưng, gần đây ở TP Tuy Hòa, nhiều phụ huynh khá giả đã đầu tư quá sớm để con em học tiếng Anh từ tuổi mẫu giáo, lớp 1 và tự hào khi các cháu bi bô “yes/no” trong khi tiếng Việt còn bập bõm, nói và viết chưa rành.
Cha mẹ nào cũng muốn con sớm trở thành “thiên tài”. Đó là nguyện vọng chính đáng, rất đáng quý và đáng trân trọng. Thế nhưng, có điều, nếu nhồi nhét không đúng phương pháp, không phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi thì lợi bất cập hại.
Các cháu mẫu giáo, lớp một thì chơi có nghĩa là khám phá, học tập. Học ngoại ngữ khi còn quá nhỏ, nhồi nhét những từ ngữ ít được ứng dụng sẽ tạo ra trạng thái lờn phản xạ, gây ảnh hưởng không tốt đến sự chú ý và tiếp thu trong quá trình học tập sau này.
Các lớp tiếng Anh cho trẻ em ở TP Tuy Hòa đang nở rộ. Quý thầy cô “bê” nguyên giáo trình dành cho các em bản địa sử dụng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ áp dụng cho các cháu học tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.
Để các cháu bi bô một vài chữ ngoại nhằm “làm sang” cho ba mẹ, mỗi thầy cô giáo có một “chiêu” sáng tạo riêng để tạo thương hiệu, không hề có một quy chuẩn nào.
Đã đến lúc cần chấn chỉnh tình trạng này để các cháu có tuổi thơ phát triển tâm sinh lý bình thường theo độ tuổi nhằm phát triển trí tuệ bền vững. Việc học là việc cả đời. Sớm nhồi nhét con em bi bô vài chữ ngoại trong lúc chúng cần hoàn thiện tiếng mẹ đẻ để thực hiện chức năng giao tiếp hàng ngày là việc làm phản tác dụng, nếu không muốn nói là có hại, thậm chí nguy hại cho chính con em mình.
HỒNG LOAN
(Phường 5, TP Tuy Hòa)