Sự việc một học sinh lớp 6 của Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) bị tát 231 cái vào mặt do vi phạm nội quy “nói tục” khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy cho 23 học sinh trong lớp tát bạn mình 230 cái và cái cuối cùng do cô Thủy trực tiếp tát. Đây thực sự là cái tát đau đớn vào lương tâm nghề giáo.
Cá nhân tôi, một phụ huynh cũng có con đang học THCS tự hỏi, cô giáo này đang làm gì thế này? Chao ôi, một đứa trẻ chỉ mới học lớp 6 thôi, nhận thức chưa đủ đầy, chỉ vì “vạ miệng” mà bị tát đến 231 cái vào mặt. Dẫu biết rằng hiện nay có rất nhiều học trò chửi tục, nhưng hình thức xử lý kiểu này chứng tỏ giáo dục đang bế tắc nghiêm trọng. Cháu ấy đau, nhức nhói và tủi nhục lắm. Chắc chắn rằng phụ huynh của cháu quặn thắt ruột gan khi nghe tin con, cháu mình bị người khác tát thẳng tay đến hàng trăm cái.
Trong mỗi chúng ta, ai không có lòng từ tâm, dù là đôi chút. Chỉ cần thấy một con chó bị người chủ đánh thôi, chúng ta đã thấy thương rồi. Một người vô gia cư bị cả nhóm côn đồ ức hiếp, bản tính thiện trong ta trỗi dậy, chỉ muốn nhảy vào can ngăn. Thấy người già ngồi ăn xin co rúm bên đường, khỏi cần nói, chúng ta chạy đến và cởi áo ấm nhường cho cụ. Nhất là trẻ con, nhìn chúng đi bán vé số, lang thang không nơi nương tựa, ngủ dạ cầu… là muốn rơi nước mắt. Ấy thế mà cô giáo vừa nêu trên lại “chỉ đạo” lạnh lùng như thế. Xin phép được hỏi cô, lỡ như con cô bị người ta tát đến quay cuồng, cô có đau không?
Bổn phận làm cha mẹ, ai mà không thương yêu con cái mình nhất. Vậy cớ gì cô xem con người ta, những đứa trẻ gọi cô là cô giáo, chẳng có chút thương xót nào? Trong văn hóa đại chúng, có rất nhiều bài hát, tác phẩm văn học, phim ảnh đề cao cô giáo như mẹ hiền. Ở nhà, trẻ có cha mẹ chăm sóc, đến lớp có thầy cô dạy dỗ. Vậy mà cô không thể hiện được phong thái của người mẹ hiền bằng việc dạy tốt, quan tâm học trò đúng mực, chỉ vì áp lực thi đua mà cô đã làm thế. Rõ ràng, cái danh quan trọng hơn sức khỏe của học trò. Thật đáng buồn với cách hành xử phản sư phạm của cô giáo này.
Trên thế giới, quốc gia nào cũng quan tâm đặc biệt đến công tác chăm sóc trẻ em và Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều vụ việc xâm phạm đến học sinh đã khiến dư luận “dậy sóng”. Chỉ trong năm 2018, cả nước xảy ra nhiều vụ liên quan đến việc giáo viên xúc phạm học sinh. Đã đến lúc ngành Giáo dục và cơ quan chức năng cần vào cuộc, xử lý nghiêm đối với những trường hợp xâm hại đến sức khỏe của học sinh, để trường học thật sự là môi trường thân thiện, lành mạnh, giáo dục học sinh phát triển một cách toàn diện.
TRẦN MINH THI