Sự việc bé gái lớp 9 ở tỉnh Thái bị bốn kẻ thú tính xâm hại tập thể gây chấn động dư luận. Mọi người đều cảm thương, chia sẻ nỗi đau với gia đình nạn nhân, đồng thời lên án hành động đồi bại của những kẻ không có nhân tính. Song song đó, người ta cũng tỏ thái độ giận dữ với một số cơ quan truyền thông, cá nhân vì đã đi quá giới hạn.
Tất nhiên chức năng của truyền thông là cung cấp tin tức chân thật đến độc giả, đồng thời là cầu nối với công chúng, nhằm phản biện, phản ánh một số vấn đề nhức nhối trong cuộc sống.
Tuy nhiên, ở câu chuyện đau lòng vừa nêu trên, một số tờ báo mạng “lá cải” đã cố tình câu khách bằng những tiêu đề hết sức nhạy cảm. Họ cho đăng nhiều kỳ báo, đào sâu vào hoàn cảnh gia đình nạn nhân để thu hút độc giả. Có báo còn mô tả chi tiết hiện trường vụ án, như thể chính tác giả bài viết có mặt chứng kiến.
Vài tờ báo mạng dù viết tắt tên (hoặc thay đổi họ tên) nhưng lại ghi cụ thể địa chỉ nơi nạn nhân học thuộc xã nào, huyện nào, tỉnh nào. Thành ra có viết tắt tên cũng bằng không. Bởi chỉ cần những người già chuyện soi mói tin tức sẽ ra ngay đứa bé đó là ai. Đây là điều vi phạm luật báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng.
Đó là chưa nói nhiều trang thông tin điện tử không được quyền xuất bản báo chí nhưng vẫn “học đòi” săn tin, cố truy ra nạn nhân tên gì, ở đâu, con ai, có năng khiếu gì... Họ dẫn nguồn (link) một số bài của các báo chính thống nhưng đồng thời “thêm mắm thêm muối” hoặc “tìm hiểu thêm” để tìm kiếm lượt truy cập từ độc giả.
Bức xúc nhất là nhiều người thông qua mạng xã hội Facebook để tìm cho ra gương mặt nạn nhân. Nguy hiểm hơn là việc vài cá nhân rảnh rỗi lục lọi trên khắp facebook, lấy hình một bị can chở nữ sinh khác rồi cho rằng người ngồi sau xe đó là nạn nhân chính trong vụ việc vừa nêu trên.
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên người ta có tính tò mò, thích soi mói, xoáy vào những vụ án mang tính chấn động, thời sự như thế. Cũng vì muốn có lượt like, view, share, comment... mà nhiều tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử, trang Facebook cá nhân đã vi phạm pháp luật.
Đây là điều rất tối kỵ đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi những vụ án có liên quan đến trẻ em đều được cơ quan chức năng bảo mật danh tính nạn nhân một cách tuyệt đối nhằm tránh trẻ bị áp lực tâm lý cũng như mặc cảm với xã hội.
Chúng ta chỉ nên xem thông tin trên như là bài học kinh nghiệm để bảo vệ con cái mình an toàn trước những cái bẫy của những kẻ thú tính, hơn là “truy tìm tận cùng gốc rễ”. Gia đình nạn nhân đã quá đau lòng rồi, vì vậy mong mọi người hãy đồng cảm, chia sẻ, động viên nạn nhân vượt qua nỗi đau này. Chuyện còn lại hãy để cơ quan chức năng xử lý đúng người, đúng tội. Đừng đào bới quá sâu vào nỗi đau của người khác, chẳng hay ho gì đâu.
ĐẶNG TRUNG THÀNH