Là một xã thuần nông, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Ea Bar đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cộng đồng.
Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, đến nay, anh Nguyễn Trọng Sơn (SN 1980) đã có ngôi nhà mới khang trang đẹp nhất nhì thôn Chư B Lôi (xã Ea Bar). Trung bình 5 năm trở lại đây, hơn 2ha tiêu đã mang về cho gia đình anh thu nhập đều đặn 150 triệu đồng/năm.
Theo anh Sơn, vườn tiêu của anh được thiết kế bài bản ngay từ đầu với hệ thống tưới, rãnh thu và thoát nước, bón phân và thực hiện các biện pháp phòng bệnh đầy đủ, do vậy tiêu phát triển ổn định. Trong khi nhiều vườn khác trong khu vực phải xóa sổ do nhiễm bệnh thì vườn tiêu của anh vẫn tươi tốt, cho năng suất cao.
Anh Sơn cho biết: “Trước đây, gia đình anh là một trong những hộ nghèo, khó khăn ở thôn, chỉ quanh quẩn với cây đậu, cây bắp. Từ khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, giới thiệu các mô hình phát triển kinh tế do TTHTCĐ của xã mở, tôi đã thay đổi cách nghĩ cách làm, mạnh dạn, tự tin nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương, nhiều vùng khác nhau, từ đó đúc rút kinh nghiệm áp dụng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương mình”.
Cũng từ việc tham gia các lớp tập huấn này, anh Triệu Văn Mòn ở thôn Tân An đã có sự bứt phá trong sản xuất nông nghiệp bằng việc chuyển đổi 3 sào cà phê kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng. Tính riêng trong vụ thu hoạch năm nay, 60 cây sầu riêng đã cho hơn 2 tấn quả, giá bán tại vườn là 60.000 đồng/kg, vườn sầu riêng đã giúp gia đình anh có thu nhập cao.
Không riêng anh Sơn, anh Mòn, hàng chục hộ dân khác như ông Năm, ông Trừ, ông Công… ở xã Ea Bar đã phát huy tinh thần học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông KSor Y Trinh, Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc TTHTCĐ xã Ea Bar cho biết: Là một xã thuần nông nên trung tâm tập trung mạnh vào việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế qua việc mở các lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng chữa bệnh trên đàn bò, phát triển bò lai; kỹ thuật chăm sóc, cạo mủ cây cao su; kỹ thuật trồng chăm sóc cây sầu riêng, mắc ca, lúa lai; dạy tin học…
Hàng năm, trung tâm phối hợp với các thôn, buôn rà soát nắm bắt nhu cầu học tập của người dân, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các ban ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện để tổ chức các lớp nêu trên.
Bên cạnh đó, trung tâm còn tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục thông qua việc khuyến khích thành lập và duy trì các Hội đồng hương hiếu học Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa…
Ông Nguyễn Thế Dần, Trưởng Ban liên lạc hội đồng hương Nghệ An tại xã Ea Bar cho hay: “Hàng năm, Ban liên lạc đều trích một phần kinh phí của quỹ hội để tổ chức gặp mặt, biểu dương và khen thưởng các cháu có thành tích học tập tốt, động viên, hỗ trợ kịp thời các cháu có hoàn cảnh khó khăn duy trì việc học tập. Nhờ đó, những năm qua các cháu đều đi học đúng tuổi, nhiều cháu học đại học và có thu nhập ổn định sau khi ra trường”.
Ông Huỳnh Tấn Liên, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Sông Hinh, phụ trách hướng dẫn, theo dõi TTHTCĐ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cho hay: Cũng như các địa phương khác, biên chế, kinh phí hàng năm giao về trung tâm có hạn, trong khi đó phần lớn những người làm công tác này đều là kiêm nhiệm nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động.
Tuy nhiên, thời gian qua, TTHTCĐ xã Ea Bar đã có nhiều nỗ lực trong việc đa dạng hóa hình thức học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người, mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất cũng như trong cuộc sống.
VĂN THÙY