Mua bảo hiểm xe máy để làm gì? Tôi đặt câu hỏi này với nhiều người và đa số trả lời là để không bị cảnh sát giao thông (CSGT) phạt khi kiểm tra giấy tờ trong khi điều khiển phương tiện (xe máy) tham gia giao thông.
Chỉ một số ít trả lời rằng để khi rủi ro bị tai nạn hoặc gây ra tai nạn thì có bảo hiểm bồi thường. Tuy nhiên, việc được bồi thường bao nhiêu, bồi thường như thế nào, trường hợp nào không được bồi thường, thủ tục hồ sơ ra sao thì ai cũng… mù tịt.
Theo Nghị định 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới, từ giữa tháng 4/2009, CSGT phạt ô tô và xe máy không có giấy chứng nhận bảo hiểm (CNBH). Do vậy, khi kiểm tra giấy tờ đối với người đi mô tô, xe máy, ngoài bằng lái xe và giấy đăng ký xe, CSGT còn yêu cầu trình thêm giấy CNBH xe.
Còn theo điểm a, khoản 2, Điều 21 Nghị định 171/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 80.000-120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người điều khiển mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo giấy CNBH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Vậy, ngoài việc để không bị CSGT xử phạt, người mua bảo hiểm xe máy còn được lợi gì?
Ai cũng biết, việc điều khiển xe máy trên đường sẽ không loại trừ các trường hợp bị va quệt, tai nạn ảnh hưởng đến xe và người ngồi trên xe. Thay vì người gây ra tai nạn sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu bạn có mua bảo hiểm xe máy, thì bảo hiểm là bên thứ ba sẽ chi trả một phần tiền cho bạn.
Cụ thể, người bị gây tai nạn được bồi thường tối đa 50 triệu đồng/vụ/năm nếu người đó bị chết, tối đa 10 triệu đồng/vụ/năm với trường hợp người đó bị thương. Còn phương tiện bị gây tai nạn được bồi thường tối đa 30 triệu đồng/vụ/năm tùy theo mức độ hỏng hóc. Tuy nhiên, để được hưởng chi trả từ bảo hiểm khi xe máy của bạn gặp tai nạn, thủ tục không hề đơn giản.
Còn trường hợp tự gây tai nạn không phải do say rượu bia, do sử dụng chất kích thích, vi phạm tốc độ (và một số trường hợp khác không được bồi thường theo luật định) mà do yếu tố bất ngờ, bất khả kháng như sụp ổ gà, mang phải chó, vật liệu rơi vãi trên đường thì… một số công ty bảo hiểm rất thờ ơ.
Ngày 26/3 vừa qua, trên đường từ phía bắc TP Tuy Hòa sang phía nam thành phố qua cầu Hùng Vương, khi vừa qua khỏi cầu đến đoạn gần công trình thi công Khu đô thị Nam Tuy Hòa, vì vướng phải vật liệu xây dựng (đá dăm) do xe thi công công trình làm rơi vãi trên đường, chị L.H.V bị trượt tay lái, cả người và xe máy ngã xuống đường, tự gây tai nạn (xe chính chủ, có đầy đủ bằng lái, giấy tờ xe, bảo hiểm xe bắt buộc theo quy định).
Sau khi đưa nạn nhân đi cấp cứu, người nhà nạn nhân gọi ngay đến số điện thoại 1900.545475 của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) được ghi trong giấy CNBH yêu cầu bên bảo hiểm đến ngay hiện trường để xác nhận, chứng thực vụ việc thì nhận được sự tư vấn của một giọng nữ, đại ý: PTI chỉ bồi thường thiệt hại cho người và phương tiện bị gây tai nạn với đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Còn đây là trường hợp tự gây tai nạn, người và phương tiện cần phải có một hợp đồng bảo hiểm khác mới được bảo hiểm xem xét hỗ trợ (?!). Người nữ này cũng yêu cầu người nhà nạn nhân cung cấp số xe, tên họ người đăng ký và bị tai nạn, mã số bảo hiểm, mức đóng bảo hiểm, nơi xảy ra tai nạn… nhưng sau đó “lặn” mất tăm.
Có lẽ không ai mua bảo hiểm xe máy mà mong muốn được hưởng lợi từ việc này. Và từ thực tế của vụ tai nạn trên, cách tư vấn “lập lờ” của bên bán bảo hiểm cho thấy vì sao nhiều người đều có cùng câu trả lời là mua bảo hiểm xe máy chủ yếu để “đối phó” với CSGT. Thiết nghĩ, một khi luật pháp quy định người có phương tiện xe cơ giới bắt buộc phải mua bảo hiểm ô tô, xe máy nhằm bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội thì cũng phải có chế tài đối với những trường hợp công ty bảo hiểm bỏ mặc khách hàng của mình khi tai nạn rủi ro xảy ra, như trường hợp nêu trên.
LÊ VĂN HIẾU
(phường 7, TP Tuy Hòa)