15 năm qua, khu vực Vũng Rô đã ba lần đón đợi các siêu dự án. Đó là các dự án Lọc hóa dầu của Singapore có quy mô đến 11,7 tỉ USD; dự án Lọc dầu Vũng Rô của Công ty Technostar Managemen Ltd (Anh Quốc) và Tập đoàn Telloil của Nga và đang ngấp nghé siêu dự án Du lịch nghỉ dưỡng Vung Ro Bay (Vịnh Vũng Rô) với dự kiến tổng vốn đầu tư 2,5 tỉ USD.
Dự án Lọc hóa dầu của Singapore như một bánh vẽ khổng lồ mất hút vào thinh không. Còn dự án Lọc dầu Vũng Rô của Công ty Technostar Management Ltd và Tập đoàn Telloil của Nga dưới cái tên Công ty Dầu khí Vũng Rô Petroleum (VRP) gieo niềm hy vọng cho người dân Phú Yên kéo dài đằng đẵng 11 năm trời để rồi sau khi “động thổ”, đối tác đã “tĩnh thổ” khá dài và đầu tháng 3/2018 chính thức xin rút lui dự án, để lại dư vị bẽ bàng, đắng chát trong lòng Đảng bộ và nhân dân Phú Yên về một dự án đầy kỳ vọng góp phần đưa quê hương cất cánh.
Rất cần thiết điểm qua đôi điều về dự án này. Dự án được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 11/2007 với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD, công suất 4 triệu tấn/năm, đi vào hoạt động năm 2011, sau đó nâng công suất lên 8 triệu tấn/năm. Sau 4 năm không động tĩnh, tháng 4/2011, chủ đầu tư xin nâng công suất lên 8 triệu tấn/năm với tổng vốn 2,5 tỉ USD.
Tháng 7/2013, UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư theo dự án mới. Ngày 9/9/2014, dự án mới chính thức làm lễ động thổ với cam kết điều chỉnh vốn 3,2 tỉ USD. Tại lễ động thổ, nhà đầu tư cam kết sẽ khởi công dự án năm 2016, đưa vào hoạt động năm 2018 với sản phẩm nhà máy là khí hóa lỏng, nhiên liệu máy bay, xăng và dầu diezel.
Dự án này tọa lạc trên diện tích 538ha đất; trong đó có 404ha xây dựng nhà máy, 134ha xây dựng cảng Bãi Gốc (chưa kể diện tích mặt nước từ 500-1.300ha). Để triển khai dự án, tỉnh Phú Yên phải tổ chức di dời, tái định cư 280 hộ dân và 810 trường hợp khác bị ảnh hưởng bởi dự án. Nhiều cán bộ đã vướng vào vòng lao lý do có sai phạm trong quá trình thực hiện giải tỏa đền bù.
Đầu tháng 3/2018, chủ đầu tư xin rút lui dự án. Ngày 5/3/2018, tỉnh Phú Yên chính thức thu hồi dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô. Điều rất băn khoăn là đầu năm 2014, Công ty Vũng Rô Petroleum (VRP) của Nga đã đồng thời lập siêu dự án Du lịch nghỉ dưỡng Vung Ro Bay dự kiến đầu tư 2,5 tỉ USD với sự tham gia của Rose Rock Group (một công ty quản lý đầu tư và phát triển bất động sản của gia đình nhà tài phiệt Mỹ Rockefeller).
Siêu dự án du lịch nghỉ dưỡng này vẽ ra một viễn cảnh đẹp như mơ với 3 khu chính là The Marina, Village và Bãi Môn, bao trùm lên cả Vũng Rô. Riêng với khu Marina Resort, dự án vẽ ra viễn cảnh vịnh thuyền buồm hiện đại tầm cỡ quốc tế đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam với cầu tàu có thể neo đậu 350 thuyền, buồm.
Dự án Du lịch nghỉ dưỡng Vung Ro Bay được báo chí tuyên truyền rầm rộ với lời phát biểu đầy ấn tượng của ông Kririll Korolev, Giám đốc điều hành kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí Vũng Rô: “Việc ký kết biên bản ghi nhớ (với Công ty Rose Rock Group - thành viên Tập đoàn Rockefeller) mở ra chân trời mới về sự phát triển cho toàn bộ Vũng Rô”.
Xin được phép lưu ý rằng, dự án này trên thực tế là ý tưởng phác thảo của các nhà kiến trúc nước ngoài chứ chưa phải là dự án chính thức.
Điều rất băn khoăn là sau khi chính thức rút lui dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô kéo dài 11 năm trời, ngày 29/3/2018, ông Kirill Korolev vẫn nhân danh Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô có văn bản chính thức gửi UBND tỉnh Phú Yên xin chuyển mục đích sử dụng quỹ đất vị trí cũ của dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô với lập luận rằng: “Hiện nay, nhà đầu tư Technostar Management Ltd và Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đang khẩn trương chuẩn bị lập dự án đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vung Ro Bay phù hợp với chức năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng của khu đất và sẽ gửi hồ sơ đề xuất lên UBND tỉnh Phú Yên, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên trong thời gian sớm nhất, dự kiến chậm nhất là ngày 30/4/2018”.
Nhà đầu tư này do không có năng lực tài chính nên tự nguyện xin dừng dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô và tỉnh Phú Yên đã có quyết định thu hồi. Vậy nhà đầu tư này liệu có đủ năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện siêu dự án du lịch tại Vũng Rô hay không? Người dân Phú Yên rất coi trọng chữ tín, “một lần thất tín vạn lần thất tin”, ông Kirill Korolev đã nhiều lần thất hứa, làm lỡ nhiều cơ hội tiếp nhận đầu tư của tỉnh Phú Yên.
Một bản ghi nhớ mong manh với Tập đoàn Rockefeller thì không biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực. Trong khi đó, thời điểm hiện tại (tháng 4/2018), một số nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đang trình các dự án đầy tính khả thi lên các cơ quan chức năng xin đầu tư vào khu vực Vũng Rô để phát triển du lịch.
Người dân hoan nghênh chính quyền tỉnh Phú Yên đã và đang rà soát các dự án nghỉ dưỡng ngàn tỉ. Tinh thần của lãnh đạo tỉnh là hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư thực hiện dự án nhưng nếu nhà đầu tư không có quyết tâm, không có năng lực tài chính để triển khai thì tỉnh sẽ thu hồi để ưu tiên cho các nhà đầu tư khác.
Vũng Rô - Đèo Cả là thắng cảnh quốc gia đã được vua Minh Mạng chọn khắc vào Tuyên Đỉnh (một trong chín đỉnh được đặt trong Thế Miếu Đại Nội Huế). Vũng Rô - Đèo Cả - Mũi Đại Lãnh cùng với những danh thắng khác của Phú Yên sẽ tạo dựng một thiên đường du lịch mang màu cờ sắc áo Phú Yên.
Vũng Rô - Đèo Cả đủ rộng để tiếp nhận cùng lúc hàng chục nhà đầu tư tâm huyết vào lĩnh vực du lịch ở khu vực này. Đề nghị chính quyền tỉnh không bỏ tất cả trứng vào một rổ, mà cùng lúc tiếp nhận nhiều dự án tâm huyết, khả thi của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh để nhanh chóng tạo dựng sản phẩm du lịch độc đáo ở khu vực Vũng Rô - Đèo Cả như kỳ vọng của nhân dân. Không vì một dự án Vung Ro Bay đầy ảo ảnh xa vời mà dốc lòng trông ngóng để ngăn trở các dự án tâm huyết vào khu vực Vùng Rô - Đèo Cả.
THIÊN TRÙ (phường 7, TP Tuy Hòa)