Thứ Tư, 25/09/2024 00:25 SA
Thói xấu nhỏ, sao chưa bỏ?
Thứ Hai, 09/04/2018 08:23 SA

Giỏ rác một bên và rác một bên (ảnh có tính minh họa) - Ảnh: T.N

Sáng 2/4 vừa rồi, đưa người bạn từ TP Đà Nẵng vô thăm Phú Yên đi ăn sáng xong rồi ghé vào quán cà phê Tùng trên đường Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) uống cà phê, bạn “phán” một câu làm tôi chưng hửng: Sao ở quê ông bây giờ vẫn còn nhiều người xả bậy quá?

 

- Ông nói vậy có nghĩa là sao?

 

- Khi nãy ở quán cơm gà, tôi thấy có người không bỏ giấy lau vào cái giỏ nhựa dưới chân bàn mà vứt lung tung ra ngoài. Thậm chí có người gặm xương gà xong rồi tiện tay bỏ xuống đất luôn. Nói xin lỗi chớ nếp sống văn hóa như vậy là hơi bị yếu đó nghe!

 

Nghe bạn trả lời, dù trong lòng hơi… ậm ực nhưng tôi cũng thừa nhận rằng đó là nhận xét đúng với thực tế và chỉ biết lí nhí cảm ơn cho đỡ “quê độ”! Càng “thấm thía” hơn khi bạn hồ hởi nói rằng ở Đà Nẵng hiện nay, tình trạng “giấy, rác đi lạc” trong các quán ăn đã được giảm thiểu rất rõ so với trước kia! Có được kết quả như vậy là nhờ sự phối hợp, góp sức chung tay của các chủ quán và khách hàng. Trong đó, chủ quán là nhân tố đóng vai trò quyết định và phải kiên trì, chịu khó trong một thời gian dài chớ không phải ngày một ngày hai!

 

Theo lời bạn, thói quen “gặp đâu xả đấy” vốn tồn tại thâm căn cố đế trong không ít người dân ta nói chung. Vì thế, chẳng có gì là lạ khi đang thong dong đạp xe, có lúc ta bỗng dưng hứng trọn một hơi… khạc nhổ của người lái xe máy đang bất ngờ phóng vọt qua. Rồi có khi cửa kính của một ô tô sang trọng đang bon bon trên đường bất ngờ hạ xuống để từ đó, một bọc ny lông đựng rác được ném ra, bất kể có thể trúng phải đầu một ai đó đang xui rủi chạy xe cận kề! Cũng như nhiều hàng quán trên cả nước, ở Đà Nẵng, việc bỏ rác ăn “chưa trúng địa chỉ”, nhất là ở các quán vỉa hè, là điều bình thường diễn ra nhiều năm nay.

 

Để hạn chế tình trạng này, đầu tiên, các quán đặt các giỏ nhựa dưới chân bàn ăn để khách bỏ giấy ăn đã sử dụng và mọi thứ xương xẩu thừa thãi vào. Để khéo léo nhắc nhở, có quán cho dán trên tường các dòng chữ nhỏ “Quý khách vui lòng bỏ rác vào giỏ. Xin trân trọng cảm ơn”. Những ngày đầu, không phải mọi khách hàng đều có ý thức tốt trong thực hiện việc nhỏ này. Nhưng dần dần theo thời gian, tình hình đã dần khá lên, đặc biệt là khi nhiều quán đã chủ động xởi lởi và nhẹ nhàng, khéo léo nhắc khách cùng nhau thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng. Ban đầu cũng có người phản ứng nhưng rồi mọi việc đã ngày càng chuyển biến tích cực hơn. Bạn kết luận: Muốn từ bỏ một thói quen chưa tốt, phải có… lộ trình chứ không thể một sớm một chiều mà “giã từ dĩ vãng” được. Hôm nào tôi mời ông ra Đà Nẵng chơi, tôi sẽ dẫn ông đi vài quán để chứng minh hỉ!

 

Chia tay bạn tại bến xe Thuận Thảo, chưa kịp hẹn ngày thăm Đà Nẵng thì tối 5/4 vừa rồi, tôi tình cờ xem chương trình thời sự của Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên, thấy phát phóng sự mang tên “Câu chuyện giấy ăn và văn hóa ứng xử của thực khách”. Phóng sự cho thấy trong khi rất nhiều các quán ăn trên địa bàn TP Tuy Hòa (kể cả các quán trên vỉa hè) đều có trang bị giỏ, sọt đựng rác nhưng nhiều thực khách vẫn vô tư và tùy tiện bỏ giấy ăn không đúng chỗ. Vì thế, tạo nên cảnh quan nhìn rất bầy hầy và phản cảm. Phóng sự cũng ghi nhận ý kiến chung của các chủ quán ăn là “phần đông khách bỏ giấy ăn ra ngoài chớ ít khi bỏ vào sọt. Cũng có người bỏ vào nhưng số này rất ít. Do đó, đợi khi xong cả rồi chúng tôi mới quét dọn cho sạch chớ nói ngay khi đó thì ngại lắm…”!

 

Lâu nay ta hay nói “khách hàng là thượng đế” và câu này đúng hoàn toàn. Nhưng dù khách có siêu cấp hay thượng đẳng cỡ nào đi nữa thì đảm bảo vệ sinh môi trường vẫn là vấn đề quan trọng của cộng đồng xã hội, nhất là trong giai đoạn TP Tuy Hòa đang phấn đấu xây dựng trở thành đô thị xanh - sạch - đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại như hiện nay. Chuyện xả giấy ăn lung tung tuy “nhỏ như con thỏ” nhưng nó cho thấy một bộ phận cư dân của thành phố hiện nay còn thờ ơ với thực hiện nếp sống văn minh nên vô tình tạo ra những cảnh chướng tai gai mắt không đáng có. Để hạn chế thấp nhất chuyện nhỏ chưa vui này, mỗi thực khách cần tập thói quen ứng xử có văn hóa khi vào quán ăn, nhà hàng mà cụ thể ở đây là bỏ giấy ăn đúng nơi đúng chỗ. Còn các chủ quán, thiết nghĩ, cũng nên tích cực, quyết liệt hơn trong nhắc nhở khách hàng, tất nhiên là với lời lẽ thân thiện và tế nhị. Có thể lúc đầu sẽ có khách không vừa lòng nhưng về lâu dài, người ta sẽ hiểu và cùng đồng thuận thực hiện. Làm được như vậy cũng là thiết thực góp phần xây dựng thành phố tỉnh lỵ tiến lên văn minh, hiện đại vậy.

 

LÂM MINH THAO

(phường 4, TP Tuy Hòa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hướng nghiệp cho con
Thứ Năm, 05/04/2018 09:06 SA
Thông báo
Thứ Sáu, 30/03/2018 08:00 SA
Làm trai cho đáng nên trai
Thứ Hai, 19/03/2018 08:42 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek