Được biết sau khi có quyết định của Đoàn Luật sư Phú Yên, Võ An Đôn đã có đơn khiếu nại lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, và biện minh cho việc làm của mình là thực hiện quyền tự do ngôn luận được Đôn dẫn chứng ở Điều 19 Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị và Điều 25 Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam.
Để làm rõ luật sư Đôn có bị kỷ luật “oan” hay là luật sư Đôn có lợi dụng các quyền tự do ngôn luận hay không? Chúng ta phải phân định rõ thế nào là tự do ngôn luận, tự do ngôn luận có giới hạn hay không và luật sư Đôn có lợi dụng quyền tự do ngôn luận hay không?
Tự do ngôn luận là gì?
- Quyền tự do ngôn luận hay là quyền tự do phát biểu được hiểu là quyền phát biểu và phổ biến ý kiến của mỗi công dân hoặc có thể hiểu theo cách thông thường là một người có quyền phát biểu và gởi ý kiến quan điểm của mình trước người khác.
Đây là một trong những quyền cơ bản của con người được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền và trong Công ước Quốc tế về quyền dân sự chính trị (năm 1966), được quy định trong Hiến pháp Việt Nam.
Tự do ngôn luận có giới hạn hay không?
Để mọi người hiểu tự do ngôn luận có phải là không có giới hạn như ông Đôn thường tuyên truyền. Xin trích nội dung hai điều mà ông Đôn viện dẫn:
Đối với Điều 19 Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị ghi rõ: việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm đòi hỏi đương sự phải có các bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:
- Tôn trọng các quyền tự do và thanh danh của người khác.
- Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.
Đối với Điều 25 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin hội họp, biểu tình, lập hội, việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, khi ông thực hiện quyền nào đó thì ông phải thực hiện theo đúng những điều pháp luật quy định, không được làm những điều pháp luật cấm.
Vấn đề hạn chế quyền con người, quyền công dân, cũng được định hình mang tính nguyên tắc trong Hiến pháp 2013 của nước CHXHCN Việt Nam: điều 14 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam như sau:
“Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng”.
Vậy, so sánh với Điều 25 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam với Điều 19 Công ước Quốc tế là có sự tương thích. Luật pháp quốc tế cũng như luật pháp các nước (trong đó có Việt Nam) kể cả những nước phát triển nhất thế giới trong lĩnh vực lập pháp, mặc dù đều thừa nhận và bảo vệ các quyền tự do, song đều có quy định hạn chế nhất định đối với những quyền dân sự chính trị.
Như vậy, quyền tự do dân chủ không phải là không có giới hạn, tính pháp lý, khoa học rõ ràng. Quan điểm chính kiến như thế nào là quyền của cá nhân nhưng phải xuất phát từ động cơ lành mạnh, có lý lẽ, luận cứ khoa học nếu vì động cơ xấu thì mọi lập luận chỉ là sự ngụy biện mà thôi.
Vậy thử hỏi Võ An Đôn, ông là luật sư nghiên cứu nhiều, có kinh nghiệm thực tiễn, nắm chắc nhiều văn bản luật, ông đã đọc và hiểu đầy đủ Điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế về quyền dân sự chính trị, Điều 25 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam chưa? Hay chỉ biết nói theo các “nhà dân chủ”, ông có thể minh bạch công khai trên facebook của ông văn bản nào của quốc tế và các nước cho rằng là “tự do ngôn luận” “tự do báo chí” là không có giới hạn để mọi người đối chiếu ai đúng, ai oan!!!
Võ An Đôn có lợi dụng quyền tự do ngôn luận hay không?
Hình như ông Đôn đang nhầm lẫn, đánh tráo khái niệm, đánh đồng tự do ngôn luận với lợi dụng tự do ngôn luận. Vì tự do ngôn luận, tự do ngôn luận trên báo chí hoàn toàn không liên quan đến hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Nếu hành vi không lợi dụng, chỉ là hoạt động tự do ngôn luận, tự do ngôn luận trên báo chí thì được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.
Nếu khi ông Đôn thực hiện quyền tự do ngôn luận (được biểu đạt trên facebook) và tự do ngôn luận trên báo chí (trả lời phỏng vấn báo đài, cá nhân nước ngoài), ông Đôn có quyền thể hiện thoải mái những quan điểm tư tưởng của mình kể cả cung cấp thông tin, tài liệu và đánh giá chủ quan của mình về những vấn đề cụ thể kể cả phê phán đường lối chính sách pháp luật của nhà nước với điều kiện những thông tin tài liệu đó có nội dung đúng sự thật, dễ kiểm chứng không bịa đặt xuyên tạc, quy chụp.
Nhưng ông Đôn đâu có thực hiện được như vậy, ông đã lợi dụng quyền này để xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, chẳng hạn có thể lấy hai dẫn chứng:
Thứ nhất, ngay cả khi ông thực hiện quyền khiếu nại tố cáo: viết đơn khiếu nại Đoàn Luật sư Phú Yên kỷ luật mình nhưng ông lại lợi dụng quyền khiếu nại để bôi nhọ tổ chức Liên đoàn Luật sư Việt Nam khi cho rằng: “Liên đoàn Luật sư Việt Nam do Đảng dựng lên, không biết có bảo vệ được tôi hay làm theo sự chỉ đạo của những người có quyền?”.
Thứ hai - khi ông thực hiện việc tự do ngôn luận (trên facebook), ông bình luận: Đoàn xe của Chủ tịch Quốc hội về quê Bến Tre, nhưng sự thật là Chủ tịch Quốc hội đang điều hành Quốc hội tại Hà Nội; anh bình luận: người đánh bạc bị chết là do bị Công an (Bình Định) đánh chết, nhưng sự thật cuối cùng là người chết là do bị đột tử.
- Khi ông thực hiện quyền tự do ngôn luận trên báo chí (trả lời phỏng vấn báo đài, cá nhân nước ngoài). Ông cho rằng: “Ở Việt Nam, luật sư chân chính sống trong nghèo khổ, cô đơn, trù dập. Luật sư mánh mung, chạy án thì giàu sang sung sướng”, nhưng ông không đưa ra được bằng chứng nào khi đoàn luật sư yêu cầu.
Luật pháp Việt Nam có ranh giới rõ ràng giữa tự do ngôn luận và hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để phỉ báng, đả kích, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, pháp luật Việt Nam là vi phạm Bộ luật Hình sự. Ông “giả ngơ” để đánh bóng tên tuổi mình hay thách thức dư luận và cơ quan chức năng?
Là người được đào tạo bài bản, có truyền thống gia đình nhưng lại không đi theo “nghề” một cách chính đáng bằng chính tài năng, lương tâm của mình. Ông đã không nói được tiếng nói của luật sư chân chính mà lại nói theo tiếng nói của “nhà dân chủ”? Luật sư chân chính không ai nói “tù nhân lương tâm”, “bản án man rợ ”, “luật sư chạy án”, “tôi bị đấu tố”, “bốn phương phản động đều là anh em”... mà chỉ có những “nhà dân chủ” mới nói vậy thôi. Bộ mặt của Võ An Đôn đã rõ, lợi dụng tự do ngôn luận để đánh bóng tên tuổi cá nhân, tiếp tay cho những kẻ chống phá chế độ, gây mất ổn định xã hội.
Tôi có một suy nghĩ gửi đến Võ An Đôn: thành công của một con người bắt đầu bằng sự nỗ lực cố gắng của bản thân, nó không tự nhiên mà đến nếu muốn “nổi tiếng” để nhận được những đồng tiền không sạch sẽ nhằm xây nhà to nhất làng hoặc trông chờ, “bấu víu” vào bên ngoài, thì chỉ là con rối mà thôi! Và cuối cùng là sự nhục nhã ê chề và sự khinh miệt của người dân đối với ông ngay trên quê hương mình!
TUỆ MINH