Ngày 16/6/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định 1008/QĐ-UBND “Phê duyệt đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2030”.
Riêng về lâm nghiệp, đề án này đề ra mục tiêu giá trị sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp bình quân hàng năm tăng 8,5-9%, phấn đấu đến năm 2020 tỉ trọng giá trị sản xuất lượng lâm nghiệp (tính theo giá so sánh 2010) chiếm 2% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản; phấn đấu 5 năm (2016-2020) trồng mới rừng tập trung đạt khoảng 30.000ha (bình quân mỗi năm trồng khoảng 6.000ha), trong đó rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khoảng 700ha/năm, rừng sản xuất khoảng 5.300ha/năm; chăm sóc rừng trồng khoảng 15.000ha/năm; khám bảo vệ rừng phòng hộ khoảng 16.000ha/năm; rừng đặc dụng khoảng 8.300ha/năm; khai thác gỗ rừng trồng khoảng 150.000m3/năm.
Đề án này nhấn mạnh việc triển khai thực hiện các dự án trồng, bảo vệ rừng đầu nguồn các lưu vực sông Ba, sông Bàn Thạch, sông Kỳ Lộ và rừng đầu nguồn các công trình thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, La Hiêng, Đá Đen và các dự án trồng rừng ven biển chắn sóng, chắn cát, bảo vệ đê biển, chống xâm thực ven biển.
Thực hiện dự án này, trong những năm qua, Phú Yên triển khai trồng mới mỗi năm 5.000ha rừng kinh tế (đạt 80% chỉ tiêu dự án đề ra).
Riêng rừng đầu nguồn và rừng đặc dụng, người dân mong muốn Nhà nước có cơ chế phù hợp, kể cả xã hội hóa, để đầu tư khôi phục các loại danh mộc quý hiếm như gõ, cẩm lai, cà te, hương, chò, bằng lăng, kiền kiền, sao… để khôi phục rừng bền vững.
Phú Yên là tỉnh ven biển nhưng có đến 3/4 diện tích tự nhiên là núi rừng. Khôi phục các giống cây quý hiếm, trồng đại trà trên diện rộng ở rừng đầu nguồn là yếu tố phát triển bền vững nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, để lại di sản quý báu cho thế hệ sau.
THIÊN TRÙ
(phường 7, TP Tuy Hòa)