Không biết có phải “được mùa” không nhưng thời gian gần đây, cả nước liên tiếp phát hiện nhiều vụ cán bộ xã phê xấu vào lý lịch công dân khiến công luận rất bức xúc.
Đầu tiên là cô gái 23 tuổi ở xã An Bình (huyện Nam Trực, tỉnh Hải Dương) đến UBND xã để xin xác nhận nhân thân thì được lãnh đạo xã ký tên, đóng dấu với nội dung “Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương”. Tiếp đến, sự việc với các nội dung bút phê tương tự cũng diễn ra tại UBND xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), UBND xã Yên Thịnh (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), UBND xã Kim Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), UBND xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi)… Khi báo chí vào cuộc thì các vị cán bộ xã này mới… rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc, xin lỗi dân và sửa lại lời phê cho phù hợp! Lý do có những lời phê phản cảm kiểu như trên đơn giản là vì gia đình người đi xin xác nhận còn nợ các khoản thu của địa phương như tiền làm đường giao thông, tiền điện chiếu sáng… Do đó, dẫn đến những lời lẽ “bút sa gà chết” của cán bộ xã này trong các văn bản pháp luật, có thể ảnh hưởng xấu đến tương lai của cả một đời người, nhất là những người đang đi tìm việc làm ở các cơ quan nhà nước, nộp hồ sơ nhập học các trường đại học…
Theo các chuyên gia pháp lý, sở dĩ có tình trạng “lời phê chết người” như trên là do hiện có một số cán bộ cơ sở (xã, phường, thị trấn) còn chưa hiểu rõ trách nhiệm phục vụ nhân dân của mình mà muốn thể hiện quyền lực cho “người ta” thấy! Bên cạnh đó là sự yếu kém về trình độ của những người này vì lẫn lộn, mơ hồ giữa các nhiệm vụ, chức trách được giao và không nắm được các chủ trương, chính sách, quy định liên quan của pháp luật. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở là nơi gần dân, đáng lẽ phải hiểu dân, chia sẻ với dân. Nếu người dân chưa thực hiện tốt chủ trương, chính sách đi nữa thì phải động viên, khích lệ, không được dùng sức ép về mặt hành chính để áp chế. Làm như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản chất tốt đẹp của nhà nước pháp quyền, khiến bà con mất lòng tin vào cấp cơ sở. Vì thế, ông cho rằng cần phải tăng cường hơn nữa việc thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ cơ sở thông qua cấp ủy Đảng, HĐND, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Qua đó kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, sai phạm mà việc phê xấu vào lý lịch công dân là một ví dụ!
Ở Phú Yên rất may là lâu nay chưa thấy có trường hợp phê xấu vào lý lịch công dân như ở các địa phương đã nói trên. Ông Phạm Minh Thảo, Chủ tịch UBND phường 6 (TP Tuy Hòa) cho biết đã có các văn bản nhà nước quy định trường hợp người chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng. UBND cấp xã không được ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân. Nếu chịu khó nghiên cứu, nắm chắc các quy định này thì sẽ không bao giờ có trường hợp “phê xấu” như đã xảy ra.
Qua thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng, người viết bài mới biết các nội dung ông Thảo cung cấp đã có đầy đủ trong Công văn 1520/HTQT-CT ban hành ngày 20/3/2014 về việc hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch của Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp). Mong rằng từ nay về sau, UBND cấp xã cẩn trọng và nghiêm túc hơn nữa trong việc xác nhận lý lịch, nhân thân của công dân khi có yêu cầu để không còn những bút phê “chết người” khiến cộng đồng phải “dậy sóng” như thời gian qua!
VŨ BẢO
(phường 7, TP Tuy Hòa)