Dự án “Quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản có trách nhiệm”, do Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Trung tâm Vì con người và rừng (RECOFTC) và Mạng lưới giám sát bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu (TRAFFIC) đồng thực hiện, được triển khai từ ngày 6/1/2017. Dự án được Chính phủ Úc tài trợ thông qua Tổ chức The Nature Conservancy (TNC), thực hiện đến tháng 3/2018. Phú Yên là một trong hai tỉnh (cùng với Lào Cai) được chọn triển khai dự án.
Dự án tập trung tăng cường công tác quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản hợp pháp và có trách nhiệm, hướng các hoạt động quản lý rừng trồng bền vững thành hoạt động thường xuyên.
Với điều kiện chu kỳ kinh doanh trồng rừng dài, điều kiện canh tác khó khăn, nằm xa khu dân cư, thuộc vùng đồi núi, cơ sở hạ tầng giao thông hầu như không có, đời sống kinh tế, dân trí còn hạn chế... nên việc giải bài toán về kinh phí trồng rừng là vô cùng nan giải, đặc biệt là đối với các hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng.
Để vừa thực hiện việc sản xuất lâm nghiệp theo đúng quy hoạch, vừa tạo điều kiện lợi nhuận để hình thành vùng xản xuất tập trung, bền vững, người dân thực sự sống được bằng nghề rừng, giảm sức ép đến rừng tự nhiên, ngành Lâm nghiệp Phú Yên xác định doanh nghiệp là mắt xích quan trọng trong chuỗi hình thành từ phát triển rừng đến bảo vệ và lợi nhuận hợp pháp từ rừng. Trên cơ sở kết quả trồng rừng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua, Tổng cục Lâm nghiệp và các tổ chức quốc tế đã chọn Phú Yên triển khai dự án.
Đến năm 2017, trên cơ sở quy hoạch chi tiết vùng trồng rừng kinh tế được phê duyệt, các doanh nghiệp được tỉnh Phú Yên giao đất để trồng rừng đã hình thành được vùng nguyên liệu với gần 13.000ha. Trong đó, DNTN Bảo Châu hơn 1.900ha; Công ty CP Trường Thành - OJI 6.700ha; Công ty TNHH Bình Nam 3.500ha...
Trong thời gian đến, ngành Lâm nghiệp Phú Yên tiếp tục xem xét trình UBND tỉnh phê duyệt thêm nhiều vùng quy hoạch trồng rừng cho các doanh nghiệp tại các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa và TX Sông Cầu nhằm xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trên cả ba tiêu chí: tăng khả năng phòng hộ của rừng, nâng cao giá trị gia tăng, ổn định đời sống người dân vùng miền núi. Tuy nhiên, để đánh giá chất lượng quản lý rừng bền vững của các doanh nghiệp thì cần được đánh giá qua các nguyên tắc, tiêu chí và chỉ số thông qua việc thực hiện chứng chỉ rừng (FSC, PESC...).
Chứng chỉ rừng là tên gọi ngắn gọn của việc cấp chứng chỉ xác nhận bằng văn bản cho quá trình quản lý rừng bền vững theo một số tiêu chí và nguyên tắc nhất định đã được quốc tế và Việt Nam công nhận. Bản chất của chứng chỉ rừng là quản lý rừng bền vững. Gỗ được khai thác từ các diện tích rừng được cấp chứng chỉ không những tuân thủ các quy định có liên quan đến tính pháp lý, mà còn tuân thủ các quy định có liên quan đến môi trường và xã hội. Vì thế, gỗ nguyên liệu từ rừng trồng của các doanh nghiệp Phú Yên có thể thâm nhập bình đẳng vào thị trường thế giới.
Hiện tại, ngoài Công ty TNHH Bình Nam với vùng nguyên liệu rừng trồng hơn 3.000ha đã được cấp chứng chỉ FSC, Bảo Châu là doanh nghiệp đầu tiên ở Phú Yên thực hiện chứng chỉ rừng và gia nhập mạng lưới chế biến lâm sản toàn cầu GFTN với sự hỗ trợ của Tổng cục Lâm nghiệp, Sở NN-PTNT, Tổ chức WWF và các chuyên gia đầu ngành Lâm nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo từ DNTN Bảo Châu, dự kiến tháng 12/2017, doanh nghiệp này cơ bản hoàn thành các thủ tục cần thiết để mời các đơn vị liên quan đánh giá kế hoạch quản lý rừng bền vững của đơn vị để xin cấp chứng nhận FSC (chậm nhất vào trung tuần tháng 2/2018), đồng thời củng cố mở rộng nhà máy chế biến gỗ tại KCN Đông Bắc Sông Cầu, KCN An Phú nhằm nâng cao năng lực chế biến các mặt hàng có giá trị từ nguyên liệu gỗ rừng trồng như mộc mỹ nghệ, viên nén...
Quản lý rừng bền vững và phát triển nguồn tài nguyên rừng là một trong năm mục tiêu cơ bản được xác định trong chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020, đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Để thực hiện mục tiêu này, lộ trình quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản có trách nhiệm đã và đang được sự quan tâm của ngành Lâm nghiệp Phú Yên, sự vào cuộc đồng hành đầy trách nhiệm của doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đưa ngành Lâm nghiệp Phú Yên phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ môi trường sống.
THIÊN TRÙ
(phường 7, TP Tuy Hòa)