Những ngày Tết Bính Thân 2016, chị bạn tôi, một Việt kiều châu Âu, về quê chồng (phường Xuân Phú, TX Sông Cầu) ăn tết, nhận xét: “Vợ chồng tôi vào TP Tuy Hòa thăm bạn cũ.
So với lần về cách đây 5 năm, có thể nói, TP Tuy Hòa hôm nay đã thay đổi rất nhiều với nhà cửa khang trang, phố xá được trang hoàng rất đẹp. Tuy nhiên, tôi thấy hình như ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung của một bộ phận người dân thành phố chưa thật cao”. Rồi chị nêu là ở phố này, hẻm nọ vẫn còn tình trạng rác vương vãi trên đường. Có nhà trong mấy ngày tết vẫn để bao đựng rác ngay trước cổng nhưng không cột lại, trông rất mất thẩm mỹ. Mỗi khi có gió thổi qua, rác bay lên. Thêm tình trạng những người đi mua nhôm nhựa lục tung thùng rác công cộng để kiếm vật có giá nhưng sau đó không “phục hồi nguyên trạng” mà lại vô tư bỏ đi, thành ra nhìn vào rất phản cảm… Chị cho biết, ở nước Bỉ, nơi gia đình chị định cư gần 10 năm nay, các hành động làm sai quy định, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường đều bị nhắc nhở kịp thời và xử phạt “đủ đô” để người vi phạm không dám tái phạm!
Có thể khẳng định rằng, lâu nay, bên cạnh các hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các cấp chính quyền của TP Tuy Hòa nói riêng và của cả tỉnh nói chung đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân cùng chung tay xây dựng môi trường sống xanh sạch đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, có thể nói, tình hình vệ sinh môi trường của TP Tuy Hòa vẫn còn những bất cập khiến du khách và người dân phản ánh, phàn nàn. Nghĩa là, TP Tuy Hòa vẫn còn rất lâu mới xứng đáng là đô thị văn minh như mong muốn của nhiều người. Tình trạng xả rác vô ý vô tứ của một bộ phận người dân là nguyên nhân chủ yếu, tạo ra ấn tượng xấu cho du khách (nhất là người nước ngoài) và tâm thế không thoải mái của cư dân địa phương.
Chị bạn tôi hiến kế: Cơ quan chức năng của thành phố thực thi các hoạt động gìn giữ môi trường như lâu nay thì điều ấy đã rõ. Nhưng song song đó, vấn đề quan trọng nhất là phải huy động cho được sự cộng đồng trách nhiệm, cùng tham gia tích cực của người dân trong hoạt động này thì kết quả mới bền vững được. Vì thế, công tác tuyên truyền phải làm sao để cho mọi công dân từ nhỏ đến lớn, từ già đến trẻ, cả nam lẫn nữ đều thấy rằng, bảo vệ môi trường sống thanh sạch, không ô nhiễm là nghĩa vụ, trách nhiệm và là quyền lợi của mỗi người, mỗi gia đình. Điều này có nghĩa là tuyên truyền, vận động phải cụ thể, thiết thực, thật sự khả thi gắn với xử phạt nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về vấn đề này. Nhà nước ta đã có Luật Bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng của thành phố căn cứ theo luật này mà vận dụng, soạn thảo các quy định về thưởng phạt để áp dụng trong thực tế sao cho hiệu quả. Trong khi chờ đợi ý thức chấp hành pháp luật từ từ ngấm sâu, trở thành nếp nghĩ, nếp sống hàng ngày, thường xuyên của công dân thì việc phạt tiền các hành vi sai phạm trong bảo vệ môi trường là vô cùng cần thiết. Ví dụ, người để bao đựng rác sai quy định chung bị phạt tiền, xả rác bừa bãi trên đường phố bị phạt tiền, đổ rác tại những nơi không được phép, bị phạt tiền… Cứ thực hiện nghiêm minh, công khai, kịp thời vấn đề xử phạt này theo đúng quy định pháp luật đã ban hành thì sẽ góp phần hiệu quả vào việc tạo dần nếp sống văn hóa cho cư dân đô thị.
Chị kết luận: Ông bà ta nói “Vạn sự khởi đầu nan”, việc gì lúc đầu triển khai bao giờ cũng khó. Nhưng tôi tin rằng, nếu TP Tuy Hòa tích cực bắt tay vào việc xử phạt như vừa nêu thì tình hình vệ sinh môi trường của địa phương chắc chắn sẽ có chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Hy vọng trong 2 năm tới, tôi về quê chồng ăn tết sẽ được chứng kiến bộ mặt văn minh, thật sự xanh sạch đẹp của thành phố!
Ý kiến của chị bạn tôi xem ra cũng rất có lý. Rất mong UBND TP Tuy Hòa xem xét và chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức thực hiện.
NGUYỄN VĂN LONG
(phường Xuân Phú, TX Sông Cầu)