5 tàu cá của ngư dân Phú Yên đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ đã được hạ thủy. Ngư dân và các cấp chính quyền địa phương phấn khởi, kỳ vọng những con tàu này hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tàu cá vỏ thép đầu tiên ở Phú Yên của ngư dân Ngô Văn Lanh ở phường Xuân Thành (TX Sông Cầu) vừa hạ thủy - Ảnh: NGỌC CHUNG |
Sau hơn 16 tháng triển khai Nghị định 67, đến nay, Phú Yên đã có 40 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn theo nghị định, với tổng nhu cầu vốn hơn 180 tỉ đồng. Trong số 19 tàu đóng mới (15 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite, 2 tàu vỏ thép), đến nay đã có 5 tàu hạ thủy (4 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ thép).
Ông Võ Văn Lành ở phường 6 (TP Tuy Hòa), một trong những ngư dân có tàu được hạ thủy theo chủ trương này, cho biết: “Gia đình tôi đóng mới 2 tàu cá vỏ gỗ với tổng giá trị gần 26 tỉ đồng. Tàu cá đóng mới được thiết kế hiện đại, quy mô hơn so với các tàu cá vỏ gỗ trước đây, công suất máy chính 713CV. Đặc biệt, viền tàu được bọc inox chắc chắn, máy tàu được bố trí một khoang riêng, các hầm bảo quản cá hiện đại, thiết bị hàng hải tiên tiến và được trang bị đầy đủ. Nhìn những con tàu vừa hạ thủy, tôi rất phấn khởi”.
Tàu cá vỏ thép đầu tiên ở Phú Yên mang số hiệu PY 99999TS được đóng mới theo Nghị định 67 vừa được hạ thủy. Con tàu này của ngư dân Ngô Văn Lanh ở phường Xuân Thành, TX Sông Cầu, có công suất máy chính 818CV, trị giá hơn 16,5 tỉ đồng. Tàu được thiết kế hành nghề lưới chụp, trang bị đầy đủ các thiết bị hàng hải như radar, định vị toàn cầu, bản đồ số, khoang bảo quản lạnh cách nhiệt bằng PU bọc inox. Tàu này có khả năng hoạt động trên biển với cấp sóng 8B, thời gian liên tục hơn 30 ngày đêm.
4 tàu cá vỏ gỗ đóng mới vừa hạ thủy đều là của ngư dân Tổ đội sản xuất Hưng Thịnh (TP Tuy Hòa). Cả 4 tàu này đã ra khơi đánh bắt chuyến đầu tiên và đều có lãi. Ngư dân Lê Thái Bình, thành viên của Tổ đội sản xuất Hưng Thịnh, cho biết: “Hiện tổ có 5 ngư dân tham gia với 8 tàu công suất từ 400-713CV, chuyên khai thác vùng biển xa. Chuyến biển đầu tiên chưa mang lại hiệu quả cao (mỗi tàu lãi từ 50-70 triệu đồng) vì ra khơi trong điều kiện giông bão. Sau Tết Nguyên đán, các thành viên của Tổ đội sản xuất Hưng Thịnh sẽ tổ chức lại khâu sản xuất để mang lại hiệu quả cao hơn, với chiến lược bám biển dài ngày”.
Còn ngư dân Ngô Văn Lanh thì nói: “Lưới chụp là nghề khai thác đạt hiệu quả kinh tế cao trong thời gian gần đây. Ưu điểm của nghề này là ngư trường đánh bắt rộng và thu nhiều nguồn lợi hải sản. Dự kiến, sau tết, tàu sẽ mở biển chuyến đầu tiên”.
Phú Yên đang khuyến khích ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ và cung cấp dịch vụ hậu cần hải sản xa bờ có công suất từ 400CV trở lên. Tỉnh cũng khuyến khích ngư dân từng bước đổi mới công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm đánh bắt và kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản để đảm bảo phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc |
NGỌC CHUNG