Chủ Nhật, 29/12/2024 11:36 SA
Bệnh cúm
Thứ Hai, 23/11/2015 10:13 SA

Hỏi: Đến mùa lạnh, tôi hay bị sốt, nhức mỏi, đau đầu; làm sao biết là bị cúm hay bị sốt siêu vi. Có thể phân biệt được bị cúm với sốt xuất huyết, tiêm vắc xin phòng cúm ngừa được bao lâu thưa bác sĩ?

 

Nguyễn Anh Tuấn (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa)

 

Trả lời: Bạn có thể bị cúm nếu có các triệu chứng sau: Sốt, ho, đau cổ/họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau mình hoặc cơ bắp, nhức đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, có thể kèm tiêu chảy, ói mửa. Chỉ dựa vào triệu chứng, không thể phân biệt được cúm với sốt do nhiễm các siêu vi khác cũng như cúm thường với cúm nặng do vi rút H1N1. Sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục, không kèm theo ho hay chảy nước mũi; tuy nhiên trong vài ngày đầu, các triệu chứng thường khó phân biệt, nhất là ở trẻ em. Tốt nhất cần làm thêm xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ.

 

Nhiều người bị cúm chỉ có triệu chứng ở mức độ nhẹ và không cần chữa trị, tuy nhiên, nếu bị bệnh nặng thì nên đi khám bệnh.  Những người trong các trường hợp sau nên khám bệnh càng sớm càng tốt: Trẻ em dưới 5 tuổi, quan trọng nhất là trẻ em dưới 2 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, phụ nữ đang mang thai, bệnh nhân bị các bệnh về máu, hen suyễn, tiểu đường, cao huyết áp… hoặc khi có các triệu chứng báo hiệu nguy hiểm:

 

- Ở trẻ em: Thở nhanh hoặc khó thở, màu da trở thành tái xanh, không thể đánh thức hoặc rất mệt mỏi, các triệu chứng cúm đang lành đi, tự nhiên trở nặng với sốt và ho có nhiều đàm; sốt có ban, sốt liên tục hơn 2 ngày.

 

- Ở người lớn: Khó thở, đau ngực hoặc bụng, chóng mặt, thần trí lẫn lộn, ói mửa nặng.

 

Nếu cúm nhẹ, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi tại giường vài ngày là khỏi, đồng thời nên thực hiện các việc cần làm sau:

 

- Uống nhiều nước ấm để làm thông đường phổi, đường mũi và bù lượng nước đã bị mất vì đổ mồ hôi khi sốt.

 

- Súc miệng với nước muối. Đừng nhịn ho, vì ho có tác dụng thông các ống ở phổi và tống các chất đờm ra.

 

- Chăm rửa tay, nhất là trước khi ăn để tránh lây lan sang người khác.

 

- Hạ nhiệt, giảm đau bằng thuốc paracetamol

 

Vi rút gây bệnh cúm thường thay đổi hàng năm, nên mặc dù đã có vắc xin phòng cúm, nhưng nếu muốn phòng bệnh, hàng năm chúng ta phải tiêm phòng đúng loại vắc xin với chủng gây bệnh của năm đó; chích thuốc ngừa cúm, có thể phòng ngừa khoảng 70 đến 90%. Phòng tránh chung bằng cách: Tránh tụ họp đông người vào mùa có bệnh; rửa tay với xà bông và nước; che miệng khi ho; khi ra đường nên mang khẩu trang.

 

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek