Báo Phú Yên nhận được đơn kiến nghị xem xét của ông Nguyễn Văn Bằng cùng một số cán bộ hưu trí, và cũng là phụ huynh của một số học sinh khối 12 Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh(TP Tuy Hòa).
Nội dung phản ánh: “Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức kỳ thi thử THPT quốc gia theo đề án của Bộ GD-ĐT vừa qua không cần thiết và còn sai sót đề thi, đáp án phải sửa đổi liên tục ở môn Vật lý, Anh văn. Thứ hai là giáo viên công tác trên 10 năm ổn định tại bất cứ trường nào cũng phải luân chuyển đi trường khác có phù hợp với thực tế không?…”.
Báo Phú Yên đã làm việc với cơ quan chức năng và nhận được Công văn 381 ngày 25/5/2015 do Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Phạm Văn Cường ký trả lời như sau:
Về việc Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức thi thử THPT quốc gia vừa rồi không cần thiết và có nhiều sai sót: Trong năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho học sinh lớp 12, kỳ thi được tổ chức từ ngày 1 đến 4/7 để lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Đây là một kỳ thi có nhiều điểm mới: về mục đích của kỳ thi; cách tổ chức thi; môn thi và nội dung các môn thi; cách xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Sở GD-ĐT Phú Yên xét thấy: nếu không chuẩn bị tốt cho học sinh về tâm lý, về kiến thức, hiểu biết về cấu trúc đề thi, cách thức đăng ký dự thi… thì các em học sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong kỳ thi sắp đến, khó đáp ứng được yêu cầu tốt nghiệp THPT và cao hơn.
Do đó, Sở GD-ĐT Phú Yên có chủ trương tổ chức thi thử THPT quốc gia cho học sinh lớp 12. Cách thức tổ chức kỳ thi thử này cơ bản giống như cách thức tổ chức kỳ thi quốc gia sắp đến (theo Quy chế thi). Các em tham gia kỳ thi thử cũng phải dự thi đủ 4 môn theo như quy định của Bộ GD-ĐT (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh và một môn tự chọn) và các em tự nguyện đăng ký thi thêm một số môn còn lại thuộc chuyên ngành mà các em dự định xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức kỳ thi thử này với mục đích: Giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi mới với hai mức độ: trình độ chuẩn và nâng cao. Sau kỳ thi, học sinh tự đánh giá năng lực học tập của mình, tự đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Từ đó giúp các em có kế hoạch học tập, ôn tập phù hợp để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi THPT quốc gia sắp đến. Điểm các môn thi chỉ dùng để tham khảo, rút kinh nghiệm, không đưa vào sổ điểm chính để đánh giá, xếp loại học lực học sinh. Qua kỳ thi thử này cũng giúp các trường THPT, trung tâm GDTX-HN, trường cao đẳng, trung cấp và giáo viên của các nhà trường biết khả năng học tập của học sinh lớp 12, học sinh trung cấp nghề của trường mình về từng môn học, từ đó có hướng phụ đạo, ôn tập với những nội dung phù hợp, chính xác, nhằm giúp các em nâng cao năng lực, đảm bảo kiến thức để đáp ứng yêu cầu, chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến.
Để đảm bảo tính khách quan trong việc đánh giá học sinh, Sở GD-ĐT Phú Yên chủ trương sao in, bảo mật đề thi (mặc dù số lượng đề thi của 8 môn thi rất nhiều, gần 50.000 đề, tương đương với một kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước). Đây là một công việc nặng nề, áp lực cao cho các thành viên làm công tác ra đề thi, sao in đề thi. Song nhận thức đây là việc cần thiết và nên làm cho học sinh, nên Sở GD-ĐT Phú Yên đã quyết tâm tổ chức kỳ thi thử này, không ngại sẽ có thể xảy ra những điều thiếu sót. Trong quá trình thực hiện soạn đề thi và in đề thi, người soạn đề và sao in đề thi đã có một sai sót, nhầm lẫn như đơn phản ánh đã đề cập. Đây là một điều rất đáng tiếc, ngoài ý muốn và sự chỉ đạo của lãnh đạo sở; các cá nhân liên quan đã nhận thấy thiếu sót và đã nghiêm túc nhận khuyết điểm. Khi phát hiện sai sót, nhầm lẫn về đề thi, Sở GD-ĐT Phú Yên đã chỉ đạo sử dụng đề thi dự bị để thay thế và gửi đính chính đến tất cả các cơ sở tổ chức thi. Do đó, kỳ thi thử vẫn diễn ra bình thường, đúng kế hoạch, bảo mật an toàn và đảm bảo chất lượng. Việc tổ chức kỳ thi thử là một việc làm xuất phát từ tinh thần vì học sinh, tập dượt cho học sinh, muốn học sinh thi đậu tốt nghiệp nhiều trong kỳ thi sắp đến, Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức kỳ thi thử này không ngoài một lý do nào khác.
Trước khi quyết định tổ chức kỳ thi thử THPT của tỉnh, lãnh đạo Sở GD-ĐT Phú Yên hết sức cẩn thận, đã tổ chức cuộc họp với hiệu trưởng tất cả các trường THPT, cao đẳng, giám đốc các trung tâm GDTX để xin ý kiến có nên tổ chức kỳ thi này hay không. Sau khi thảo luận ý nghĩa mục đích kỳ thi, tất cả thành viên của cuộc họp đều thống nhất hai nội dung sau:
Sở GD-ĐT Phú Yên nên tổ chức kỳ thi này với mục đích và ý nghĩa nêu trên, không những giúp học sinh mà còn giúp nhà trường đánh giá được năng lực học tập của học sinh, để từ đó sẽ có biện pháp tổ chức ôn tập cho các em và tiếp tục tổ chức các kỳ thi thử cấp trường.
Thu phí học sinh 5.000 đồng/môn thi để hỗ trợ chi: văn phòng phẩm, nước uống cho hội đồng coi thi, chấm thi tại trường THPT có tổ chức thi; và để hỗ trợ Sở GD-ĐT Phú Yên mua giấy thi, giấy nháp, mực sao in đề thi, túi đựng đề thi, túi đựng bài thi, bút lông,…
Trong cuộc họp, Sở GD-ĐT Phú Yên đã chỉ đạo các trường và cán bộ sở không được sử dụng kinh phí học sinh đóng góp thi để chi bồi dưỡng coi thi, chấm thi, ra đề thi, sao in đề thi và cho công tác chỉ đạo kỳ thi. Nhà trường và Sở GD-ĐT Phú Yên quản lý chặt chẽ kinh phí này, tránh tiêu cực.
Hiện nay, Ban chỉ đạo kỳ thi, Ban ra đề thi, Ban sao in đề thi, các tổ thanh tra lưu động của Sở GD-ĐT Phú Yên không nhận một khoản kinh phí bồi dưỡng nào (như chỉ đạo ban đầu của Giám đốc Sở GD-ĐT) từ lệ phí học sinh đóng góp để hỗ trợ kỳ thi. Tất cả cán bộ sở làm việc với tinh thần trách nhiệm vì học sinh.
Về việc thuyên chuyển công tác của giáo viên
Đơn đề nghị xem xét của một số bà con nhân dân, phản ánh: Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên đã nói: “Giáo viên công tác trên 10 năm ổn định tại bất cứ trường nào cũng phải luân chuyển đi trường khác”.
Đây là một phản ánh không đúng sự thật, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên chưa bao giờ phát biểu nội dung như trên. Có thể người phản ánh chưa hiểu ý của giám đốc sở đã từng phát biểu trong các hội nghị, giao ban của sở như sau: “Hiện nay, ngành GD-ĐT có hiện tượng dư thừa cục bộ giáo viên, phải hợp đồng nhiều, nên việc phân bổ kinh phí chi thường xuyên hàng năm rất khó khăn; còn có trường hợp bất hợp lý như: có giáo viên dạy ở vùng khó khăn, miền núi trên 10 năm nhưng chưa được chuyển về gần địa phương để công tác. Nhất định sau khi có kết quả thi tuyển giáo viên do UBND tỉnh tổ chức, Sở GD-ĐT Phú Yên sẽ có biện pháp, xây dựng tiêu chí cụ thể, công bố công khai và cương quyết luân chuyển những giáo viên dạy ở miền núi, vùng khó khăn, dạy xa nhà lâu năm, nếu có nguyện vọng về dạy gần nhà sẽ được Sở GD-ĐT Phú Yên xem xét luân chuyển về theo nguyện vọng. Còn những giáo viên trẻ, vừa mới trúng tuyển sẽ được bổ nhiệm thay thế giáo viên đó để giảng dạy tại các địa điểm xa, khó khăn một thời gian”.
Thiết nghĩ, đây là một chủ trương đúng, phù hợp với nguyện vọng của giáo viên, mong nhân dân ủng hộ. Sắp đến lãnh đạo Sở GD-ĐT Phú Yên sẽ cương quyết thực hiện chủ trương này. Tất nhiên phải làm đúng quy trình, công khai, minh bạch, tránh tiêu cực.
Về thẩm quyền luân chuyển cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục
Theo quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ công chức cấp xã và các chức danh lãnh đạo quản lý doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu thuộc UBND tỉnh Phú Yên (Ban hành kèm theo Quyết định 11 của UBND tỉnh Phú Yên), tại khoản 5, Điều 27. Nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, có nêu: Bố trí, điều động, phân công hợp lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý,…
Như vậy, việc bố trí, điều động, phân công hợp lý cán bộ, công chức, viên chức từ trường (đơn vị) này sang trường (đơn vị) khác là thuộc thẩm quyền quản lý của lãnh đạo sở. Vấn đề là lãnh đạo sở chỉ đạo việc này phải công khai, minh bạch, dân chủ, công tâm, không được tiêu cực; việc luân chuyển cán bộ, giáo viên phải đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo biên chế cho mỗi đơn vị.
Việc luân chuyển đội ngũ cán bộ, giáo viên ở TP Tuy Hòa nói riêng và các huyện, thị xã trong tỉnh nói chung thuộc thẩm quyền của UBND và cấp ủy của huyện, thị xã, thành phố (theo phân cấp quản lý của Nhà nước). Sở GD-ĐT Phú Yên không thể can thiệp.
Về việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cho các đơn vị
Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cho các đơn vị trực thuộc trong ngành GD-ĐT: Lãnh đạo Sở GD-ĐT Phú Yên đã thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc, công tâm, đúng quy trình các bước theo quy định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo đơn vị, với mong muốn chọn đúng người (nằm trong quy hoạch, tín nhiệm của Hội đồng sư phạm, cán bộ chủ chốt, cấp ủy đơn vị) có năng lực, có trình độ và có đủ bản lĩnh để lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị phát triển. Không “vì lợi ích nhóm; đưa người thân lên ngồi ghế hiệu trưởng…” để bổ nhiệm trái quy định như bà con phản ánh. Phát biểu góp ý này chưa đúng sự thật, chưa hiểu hết tâm huyết của lãnh đạo sở là muốn từng bước củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục của ngành để đáp ứng sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT hiện nay.
Trên đây là những trao đổi hết sức thẳng thắn và có trách nhiệm của lãnh đạo Sở GD-ĐT Phú Yên về những nội dung mà bà con nhân dân kiến nghị, trao đổi. Rất mong bà con nhân dân vì sự nghiệp GD-ĐT hết sức bình tĩnh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ban Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên hiện nay.
PHÒNG BẠN ĐỌC