Từ xưa ông cha ta đã nói: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Một dân tộc mạnh hay yếu, giàu hay nghèo không phải chỉ phụ thuộc số dân của nước ấy, vào mức thu nhập bình quân đầu người…; mà quan trọng hơn là trình độ dân trí, đặc biệt là đội ngũ nhân tài
Ở các triều đại nước ta khi xưa có lúc "Tuấn kiệt như sao buổi sớm/Nhân tài như lá mùa thu", nhưng "hào kiệt đời nào cũng có" (Nguyễn Trãi). Những "tuấn kiệt, "hào kiệt", "nhân tài"... chính là những người góp phần chấn hưng đất nước, thời nào cũng được nhân dân ngưỡng mộ, tôn kính.
Hiện nay, nước ta không thiếu người tài, nhưng do cơ chế còn nhiều ràng buộc, chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với người tài, cho nên chưa huy động được tiềm năng vốn có về "chất xám" để phục vụ cho sự nghiệp công cuộc CNH, HÐH đất nước.
Chúng ta thường nói: "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" nhưng thực tế chưa có biện pháp hữu hiệu để bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ ấy. Chúng ta chưa có kế hoạch dài hơi về đào tạo nhân tài, chưa xếp người tài đúng vào những vị trí "đúng người, đúng việc".
Thí dụ như ta xóa ngay trường chuyên lớp chọn ở bậc THCS mà chỉ giữ lại trường chuyên ở bậc THPT có nên chăng? Ðây là những lớp "chân rết", là những "vệ tinh" cốt lõi nhất cho trường THPT chuyên. Từ ngày xóa các lớp ấy, chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT chuyên giảm hẳn.
Nhiều học sinh giỏi không gặp được thầy giáo giỏi cho nên lực học bị chậm lại, không phát huy được năng khiếu. "Có thầy giỏi thì mới có trò giỏi" điều đó có thể được xem như một chân lý. Năng suất làm việc, "chất xám" bỏ ra của một thầy giáo, kỹ sư, bác sĩ giỏi có thể gấp nhiều lần một người bình thường cùng có trình độ đại học.
Hiệu quả của những người tài đem lại nhiều khi không thể cân đo, đong đếm ngay được. Mức lương của họ cũng có hệ số ngang bằng như bao nhiêu bạn bè cùng một khóa, cùng học một nghề, thì sự đãi ngộ "cào bằng" ấy liệu có kích thích được việc "chất xám" của họ đổ ra không? (dĩ nhiên ở đây chỉ bàn tới những người vừa có tài vừa có đức).
Vì thế rất nhiều người giỏi đã vào làm cho những công ty liên doanh với nước ngoài, hoặc ra mở công ty trách nhiệm hữu hạn, hoặc họ phải dành thời gian làm thêm việc khác để mưu sinh, thì liệu còn sức đâu để nghiên cứu, sáng tạo cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước.
Vì vậy, Nhà nước cần nghiên cứu một thang lương riêng thỏa đáng đối với những "nhân tài". Hiện nay, nhiều công ty, xí nghiệp của nước ngoài đang tìm cách săn người tài. Họ vào các trường đại học, tiếp cận những sinh viên giỏi, ngầm thỏa thuận, giao ước về việc họ sẽ cấp học bổng cho sinh viên ấy ăn học 4-5 năm. Sau khi ra trường sẽ về làm cho công ty họ, dĩ nhiên là mức lương khá hậu hĩnh, kèm theo những hứa hẹn về cấp nhà ở, phương tiện đi lại, du lịch nước ngoài...
Ngay việc những thầy, cô giáo giỏi có học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế cũng rất cần khen và thưởng xứng đáng. Ngành giáo dục - đào tạo cần có quy hoạch đề bạt họ vào cương vị ban giám hiệu, cho đi học các lớp quản lý, hoặc cho tăng lương trước thời hạn 1-2 năm.
Những học sinh giỏi, nhất là những học sinh trường chuyên cần có học bổng ngay từ khi đang học THCS hay THPT. Bộ Giáo dục và Ðào tạo có kế hoạch đưa những học sinh giỏi vào thẳng đại học, bố trí học ở những lớp "kỹ sư tài năng"...
Ðặc biệt, nếu đưa đi đào tạo ở nước ngoài nhất thiết học sinh ấy phải trở về nước để phục vụ cho Tổ quốc. Mặt khác, cần có sự mở cửa kêu gọi và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những nhân tài trước đây vì một lý do nào đó đi nước ngoài, nay trở về góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.
Việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài không phải một sớm một chiều mà có được. Nhà nước cần xây dựng một "chiến lược về nhân tài" cả chiều rộng lẫn chiều sâu để xây dựng đất nước. Trong "chiến lược con người", cần đặc biệt chú ý những thầy giáo, cô giáo, những học sinh, sinh viên giỏi.
Phan Toàn Thắng - VOV