Thứ Năm, 16/01/2025 08:02 SA
“Giấy đỏ” hay “ giấy hồng”?
Thứ Hai, 02/04/2007 07:09 SA

Trước đây, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở chỉ có một giấy. Nay thì... tăng thành 2, thậm chí là 3 giấy (Quyết định, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở), người ta vẫn thường gọi là “giấy đỏ, giấy hồng”!

 

Việc có quá nhiều loại giấy tờ cho một chủ sở hữu không những gây tốn kém kinh phí cho ngân sách Nhà nước mà còn làm cho người dân rất khó trong quá trình bảo quản và thế chấp để vay vốn ngân hàng.

 

Theo qui định tại Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002 của Chính phủ, “giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có đủ điều kiện làm đảm bảo tiền vay theo qui định của pháp luật thì việc thế chấp, bảo lãnh đồng thời cả giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hay tách rời do các bên thoả thuận”. Khi người dân có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh thì phải đem chính những tờ giấy này để thế chấp cho các ngân hàng. Nếu chỉ thế chấp một loại giấy thì đó phải là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngược lại muốn thế chấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thường các ngân hàng không muốn nhận, bởi thế chấp nhà mà không thế chấp đất sẽ rất khó cho ngân hàng trong quá trình xử lý tài sản để thu hồi nợ vay trong trường hợp khách hàng không trả được nợ phải dùng đến tài sản thế chấp để trả nợ. Hiện các ngân hàng đã qui định thoáng hơn để người dân vay được vốn dù chỉ thế chấp bằng quyền sở hữu nhà ở. Nhưng quá trình đi ký công chứng, chứng thực là cả một vấn đề...

 

Theo qui định về công chứng, chứng thực tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 của Chính phủ: cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực ở trong nước bao gồm: Phòng Công chứng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Theo đó, Phòng Công chứng được phép công chứng hợp đồng, giao dịch có liên quan đến bất động sản thuộc thẩm quyền địa hạt của phòng do UBND cấp tỉnh quyết định; công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên... UBND cấp huyện được phép công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản theo thẩm quyền địa hạt của huyện, quận, thị xã mình mà không thuộc thẩm quyền địa hạt của phòng công chứng; chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị dưới 50 triệu đồng... Còn chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp xã chỉ được phép thực hiện: Chứng thực chữ ký của công dân Việt Nam trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch dân sự ở trong nước; chứng thực di chúc, văn bản từ chối nhận di sản; “các việc khác theo qui định của pháp luật”. Mới đây, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có Thông tư số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 cho phép các xã, phường được ký chứng thực các hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để người dân đi vay vốn tại các ngân hàng. Việc làm của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường là có cơ sở, vì hiện nay nhu cầu vay vốn thông qua thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở của người dân là rất lớn. Phòng công chứng, UBND cấp huyện, thành phố không thể giải quyết hết được nhu cầu thực tế của người dân. Nhưng khi cho phép UBND cấp xã, phường được ký các loại giấy này thì thời gian cũng chưa giải quyết nhanh được, vì chỉ có chủ tịch hoặc phó chủ tịch mới là người trực tiếp giải quyết. Thựïc tế một số xã, phường do bận công việc nên không thể giải quyết ngay trong ngày đành hẹn khách hàng sang ngày hôm sau, thậm chí phải vài ba ngày mới giải quyết được (không đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính), hoặc có những trường hợp xã, phường này ký, nhưng xã, phường khác lại không ký, vì theo họ UBND cấp xã, phường không có chức năng ký chứng thực các hợp đồng, giao dịch... như tinh thần Nghị định 75/2000/NĐ-CP của Chính Phủ đã nêu. Trường hợp ký thì họ chỉ xác thực bằng quyền sử dụng đất, không xác thực quyền sở hữu nhà ở. Trường hợp này, nếu xét góc độ pháp lý, hợp đồng giao dịch với ngân hàng chỉ mới có một nửa, nửa còn lại xem như chưa được qua công chứng, chứng thực.

 

Từ thực tế trên, để giúp người dân đi ký các loại giấy tờ về giao dịch với ngân hàng được thuận tiện đồng thời giúp ngân hàng cho vay đúng qui định, tránh hợp đồng phải xem là vô hiệu, đề nghị  các ngành chức năng nên xem lại việc hướng dẫn thực hiện các qui định pháp luật.

 

KHẮC LUYỆN

(Ngân hàng Công thương Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek