Mùa thi qua, nhiều tân sinh viên chuẩn bị nhập học trong niềm vui mừng của bản thân cũng như sự hãnh diện của gia đình, mà đôi khi là niềm tự hào của cả dòng họ. Song cũng có nhiều bạn trẻ đành xếp lại giấc mơ giảng đường, chờ mùa thi sau hoặc chọn con đường lập thân lập nghiệp khác. Muôn nẻo vào đời và đều có cơ hội thành công. Điều này không phải bạn trẻ nào cũng hiểu và biết cách vượt qua cú trượt đầu đời này.
Đậu đại học là một cơ hội lớn để các bạn trẻ khẳng định bản thân, là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi người nên khi bị thất bại, họ dễ mất niềm tin vào chính mình. Trong trường hợp này, với nhiều em, nếu không được kịp thời động viên, chia sẻ thì rất có thể sẽ để lại những di chứng tâm lý. Nếu nhẹ thì nhiều em chán nản không biết làm gì tiếp theo, xa lánh thế giới xung quanh, theo bạn xấu; nặng hơn là rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí có em mất kiểm soát dẫn tới những hành vi không đáng có... Đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời, đó là khẳng định của nhiều người. Các em vẫn có thể khẳng định mình bằng nhiều con đường khác. Vì vậy, lúc này không chỉ chính các em cần có cách nhìn đúng đắn mà cả những người xung quanh, nhất là các bậc phụ huynh cũng phải hành xử tích cực, đồng thời quan tâm, sẻ chia để giúp các em sớm lấy lại thăng bằng, bước tiếp những bước vững vàng hơn. Trượt đại học, các em mất niềm tin vào bản thân là điều dễ hiểu nhưng nếu để các em mất luôn cả niềm tin vào thế giới xung quanh thì đó là lỗi của người lớn, đặc biệt là những người làm cha làm mẹ.
Ngoài ra, nhà trường, các cơ quan, ban ngành liên quan cần làm tốt hơn nữa công tác hướng nghiệp cho học sinh khi các em còn ở bậc học phổ thông. Đồng thời, công tác giáo dục, đào tạo ngoài việc cung cấp kiến thức khoa học cơ bản thì cần chú ý đến việc trang bị những kỹ năng sống cần thiết, để các em có đủ bản lĩnh trong cuộc sống, chọn con đường thích hợp để vào đời lập thân, lập nghiệp.
MINH MINH
(phường 9, TP Tuy Hòa)