Công viên là phần không thể thiếu của một đô thị. Đây là khu vực vui chơi, giải trí, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa… Thường các công viên được làm theo các đặc thù, loại này thường nhỏ hơn trong tổ hợp công viên như: công viên nước, công viên cây xanh, công viên văn hóa…
Công viên khu phố Trần Phú (phường 7, TP Tuy Hòa) - Ảnh: Đ.NGA
Kiến trúc công viên gồm có: cây xanh, ghế ngồi nghỉ mát, các con đường nhỏ dùng cho người tản bộ, ốc đảo, vườn hoa, các ki ốt, ban quản lý công viên, nước, hệ thực vật và các thảm cỏ… bảo đảm cho mọi người có thể tìm được không gian yên tĩnh, thư giãn cho mình. Mọi người đều có thể đến để nghỉ ngơi, tham quan và hoạt động thể dục dưỡng sinh trong công viên bình thường, không phải trả bất kỳ một khoản thu nào nếu không tham gia các dịch vụ giải trí có thu tiền.
Ở Phú Yên chưa có những công viên lớn (có cả hệ thực vật và động vật; có hoạt động dịch vụ…). Tại TP Tuy Hòa, số lượng công viên chỉ đếm trên đầu ngón tay và đều có quy mô nhỏ, như Công viên Diên Hồng (phường 1), Công viên Tuổi Trẻ (phường 7) và một số công viên nhỏ hơn chưa được đặt tên. Thế nhưng hầu hết các công viên hiện đang bị xâm hại, không bảo đảm không gian yên tĩnh, thư giãn của người dân. Cụ thể, Công viên Diên Hồng, hành lang dành cho người đi bộ thường xuyên bị một số người chiếm dụng để bày bán quần áo cũ. Người đến mua hàng thường dừng, dựng xe ngay dưới lòng đường, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Công viên Tuổi Trẻ có hàng rào lưới B40 bảo vệ bị kẻ gian gỡ trộm đến 80-90%; phía góc đường Lê Duẩn - Phan Lưu Thanh là bãi tập kết rác. Công viên khu phố Trần Phú trên đường Lý Tự Trọng - Lê Hồng Phong thì thường xuyên bị một số người vô ý thức chiếm dụng làm nơi phơi chăn chiếu, quần áo gây mất mỹ quan đô thị (ảnh). Nhìn vào hình ảnh này thì không thể nói đây là khu phố văn hóa.
Chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và Ban bảo vệ các khu phố cần có biện pháp chấn chỉnh, nhắc nhở để trả lại không gian yên tĩnh, sạch đẹp cho các công viên.
ĐẶNG NGA
(phường 7, TP Tuy Hòa)