Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội rầm rộ thông tin việc thu hồi hàng chục lô sữa nhập ngoại của các hãng sữa danh tiến trên thế giới vì nghi nhiễm khuẩn gây độc thần kinh, liệt cơ, khiến không ít bà mẹ lo lắng, bất an vì đã trót cho con mình dùng sữa của những nhãn hàng này. Các mẹ chỉ biết cầu mong những lon sữa con mình đã dùng không nằm trong số 10 lô hàng bị thông báo thu hồi đợt này.
Nhiều người đang lo lắng không biết các lon sữa mà con mình đã uống có nằm trong số 10 lô hàng bị thu hồi? - Ảnh: H.ANH
Khi thông tin được công bố, nhiều người quan tâm đến chuyện sữa bị nhiễm khuẩn gì và gây hại ra sao đến sức khỏe của người sử dụng, cũng như quy định đổi trả sản phẩm như thế nào, chứ các cơ quan chức năng chưa hề lên tiếng nhận trách nhiệm khi để những hàng hóa kém chất lượng, độc hại lưu thông trên thị trường. Đặc biệt, việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong vụ việc này cũng chưa được xem xét đến.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực đã hơn 2 năm nhưng khi xảy ra sự cố như trên thì người tiêu dùng vẫn là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất. Bản thân người tiêu dùng cũng chưa ý thức được quyền được bảo vệ của mình. Vì vậy, các ban ngành chức năng cần làm tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời đề ra nhiều biện pháp thiết thực hơn nhằm đưa luật đi sâu vào đời sống để người tiêu dùng dần hình thành ý thức tự bảo vệ hoặc ít ra là chủ động lên tiếng khi quyền lợi bị xâm phạm.
MINH MINH (TP Tuy Hòa)