Đây là thông tin được nêu tại Thông tư liên tịch số 80/2013/TTLT-BTC-BNN của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện bảo vệ và phát triển rừng.
Ảnh minh họa
Thông tư nêu rõ, diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên bao gồm: rừng phòng hộ (rừng tự nhiên và rừng trồng đã hết thời kỳ xây dựng cơ bản nhưng vẫn cần bảo vệ); rừng giống, vườn giống thuộc sở hữu nhà nước đã được phê duyệt.
Khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên thực hiện thông qua hợp đồng khoán. Thời hạn hợp đồng là hàng năm, hoặc theo kế hoạch trung hạn 3 năm, hoặc 5 năm.
Mức khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên thực hiện theo quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn NSNN giai đoạn 2011 – 2015, trong đó mức khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên bình quân là 200.000 đồng/ha/năm.
Mức khoán cụ thể do bộ, ngành (đối với diện tích rừng thuộc các Bộ, ngành quản lý) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với diện tích rừng thuộc địa phương quản lý) quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế và phải được công bố công khai hàng năm về mức khoán, diện tích khoán để bên nhận khoán biết.
Ngoài mức khoán chung theo quy định, tùy theo điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định hỗ trợ thêm kinh phí cho khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2013 và áp dụng từ năm dự toán ngân sách 2013.
Theo chinhphu.vn