Chủ Nhật, 06/10/2024 09:40 SA
Hướng đến Ngày Gia đình Việt Nam 28/6:
Phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục vị thành niên, thanh niên
Thứ Hai, 24/06/2013 10:30 SA

Hiện nay, một số trẻ vị thành niên rơi vào các tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, ăn chơi đua đòi, nghiện game online, bỏ nhà đi bụi, chung sống với nhau theo kiểu “bầy đàn” không phải là hiếm. Những hành vi này đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho gia đình và xã hội.

 

le-loi130624.jpg

Sinh hoạt chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên ở Trường THPT Lê Lợi (Đồng Xuân) - Ảnh: T.DIỆU

Từ thực tế và qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong những năm gần đây nhiều vụ trọng án xảy ra mà thủ phạm là những thanh thiếu niên tuổi còn rất trẻ, đáng báo động hơn có những nạn nhân lại là cha mẹ, họ hàng của thủ phạm. Ở Phú Yên, có những vụ án xảy ra là cháu ngoại giết ông ngoại để lấy tiền thỏa cơn nghiện game, cháu chém chết cô ruột vì tranh giành đất đai... Đó là tiếng chuông báo động trước sự xuống cấp về đạo đức của một số trẻ vị thành niên và thanh niên. Những người làm cha mẹ không khỏi xót xa, đau đớn khi con cháu mình rơi vào vòng lao lý.

 

Đi tìm lời giải cho vấn đề nói trên, chúng ta thử đưa ra hai cách. Thứ nhất, trên bình diện khoa học hành vi thì các hành vi nguy hiểm, mất nhân tính mà các thủ phạm đã mắc phải trong thời gian vừa qua cho thấy: các thủ phạm đã thực hiện hành vi của mình trong những trạng thái tâm lý thiếu sự kiểm soát của ý thức như sau khi nhậu say, hay sau khi sử dụng chất kích thích hoặc là những game thủ bị nghiện game... Hành vi được hiểu là “phức hợp các hành động chịu sự tác động của ý thức”, hơn nữa hành vi phụ thuộc vào các yếu tố như: kiến thức (nhận thức), thái độ, niềm tin và thực hành. Như vậy, các hành vi nguy hiểm trên được thực hiện khi người đó (kẻ có hành vi xấu) kém hoặc không hiểu biết về pháp luật, và không nhận thức được hành vi của mình hoặc không kiểm soát được hành vi. Những thủ phạm gây ra hành vi này thường xảy ra ở những gia đình có “vấn đề” hay gia đình thiếu quan tâm, hoặc ở những gia đình cha mẹ lo làm ăn không có thời gian quan tâm đến con cái và ở cả các gia đình “thừa tiền, thiếu tình cảm”… Có thể nói đó là nguyên nhân trước tiên từ các gia đình đã vô tình đẩy con em vào các trò vui chơi ngông cuồng, đàn đúm, bỏ học sống với nhau theo kiểu “bầy đàn” và rơi vào các tệ nạn xã hội khi nào cũng không biết.

 

Thứ hai, xét trên bình diện tâm lý, tâm lý của mỗi cá nhân “là sự phản ánh chủ quan thế giới khách quan có cơ sở tự nhiên là hoạt động của thần kinh, nội tiết được biểu hiện bằng các hành động sống gắn với điều kiện tự nhiên, lịch sử và môi trường”. Theo cách nhìn nhận trên của tâm lý, nhân cách của mỗi người được hình thành trong môi trường sống của người đó, môi trường gia đình và xã hội sẽ tác động và hình thành nhân cách của cá nhân trong một thời gian dài, những biểu hiện cụ thể của nhân cách đó là: xu hướng, tính khí; khí chất và năng lực.

 

Như vậy môi trường gia đình và môi trường xã hội có tính quyết định hình thành nhân cách của trẻ, và nhân cách của mỗi người chi phối hành vi tùy hoàn cảnh cụ thể. Từ đó cho thấy trách nhiệm của gia đình và của cộng đồng xã hội trong giáo dục cho trẻ nói chung, giáo dục cho trẻ vị thành niên, thanh niên nói riêng lúc này là rất cần thiết.

 

Trong một gia đình, mối quan hệ của các thành viên chi phối lẫn nhau, tác động lẫn nhau và sẽ tác động mạnh mẽ đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Có thể nói gia đình là nơi trú ngụ an toàn nhất, nơi bộc lộ rõ nhất bản chất thật của con người. Các thành viên trong gia đình ảnh hưởng tâm lý nhiều nhất ở thành viên có vị thế “chủ đạo” trong gia đình. Vì vậy, để trẻ phát triển nhân cách theo hướng tích cực đòi hỏi các thành viên trong gia đình cùng nhau chăm sóc, hướng dẫn, giáo dục con cái. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần có kiến thức và xây dựng được các mối quan hệ gia đình lành mạnh, tạo cho con cái thấy được chính cha mẹ là nơi an toàn nhất, là tấm khiên vững chắc giúp con cái mạnh mẽ bước vào đời, đồng thời cha mẹ cũng là những người “bạn” để các con tâm sự, chia sẻ.

 

Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội cũng hết sức quan trọng trong hình thành nhân cách của trẻ, cùng chung tay, góp sức giáo dục rèn luyện nhân cách cho các em, đặc biệt nhà trường không những trang bị cho các em kiến thức mà còn là nơi rèn luyện đạo đức làm người cho các em. Vì vậy, cần xây dựng được mô hình giáo dục liên kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội thì chắc chắn sẽ giáo dục tốt cho trẻ nói chung, vị thành niên và thanh niên nói riêng.

 

NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek