UBND tỉnh, Sở LĐ-TB-XH vừa có kế hoạch hướng dẫn triển khai các hoạt động cụ thể về kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 20 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ trong tình hình mới.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh nhận quà do quỹ “Bảo trợ trẻ em” tỉnh tặng - Ảnh: K.CHI
Theo đánh giá của đồng chí Trần Quang Nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh: Thời gian qua, công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả, các quyền cơ bản của trẻ em từng bước được đáp ứng; tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm, việc phòng chống tai nạn thương tích ngày càng được quan tâm. Số trường đạt chuẩn quốc gia tăng, xây dựng môi trường an toàn lành mạnh, thân thiện cho trẻ.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng nhìn nhận một thực tế công tác quản lý nhà nước về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều bất cập. Tỉ lệ trẻ em bỏ học ở một số khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc vẫn chưa giảm. Một số nhóm đối tượng trẻ có hoàn cảnh khó khăn, chưa được chú trọng. Truyền thông giáo dục, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ còn thiếu. Trẻ chưa có kỹ năng tự bảo vệ mình. Điều kiện vui chơi, giải trí cho trẻ còn thiếu. Bên cạnh đó, việc thường xuyên thay đổi, xáo trộn về bộ máy tổ chức khiến một số cán bộ đã được đào tạo về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải luân chuyển làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuyên môn…
Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, ngày 5/11/2012 Bộ Chính trị ban hành tiếp Chỉ thị 20 về công tác này. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên có Kế hoạch số 32 để thực hiện chỉ thị trên. UBND tỉnh cũng triển khai kế hoạch của Tỉnh ủy với mục đích nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, tổ chức, đoàn thể… về vị trí vai trò, tầm quan trọng của công tác trẻ em trong tình hình mới. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, các cấp chính quyền đối với công tác này. Thực hiện việc lồng ghép, đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể quán triệt và thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động để mọi người dân thấy được tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Kịp thời tuyên truyền các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt; quan tâm giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em. Tùy vào điều kiện thực tế, từng ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hỗ trợ chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em thuộc gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; gắn với Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2012-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, xây dựng trường học an toàn, thân thiện và xây dựng cộng đồng vững mạnh. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hàng năm và 5 năm về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng ngành. Các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em và thực hiện các quyền của trẻ em. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tỉnh đoàn chỉ đạo và thực hiện tốt các hoạt động thanh thiếu niên và nhi đồng, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; trong đó, gia đình có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em, cùng với nhà trường giáo dục hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em phát triển toàn diện. Tăng cường giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; phát hiện, ngăn chặn, lên án các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em.
Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết: Thực hiện công tác trẻ em trong tình hình mới rất quan trọng, do vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc triển khai Chỉ thị cũng như kế hoạch của UBND tỉnh trong thời gian tới. Trong kế hoạch UBND tỉnh đã phân công trách nhiệm rất rõ ràng đối với từng ngành, từng đơn vị, nếu các đơn vị, sở, ban, ngành vào cuộc quyết liệt, chắc chắn công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong giai đoạn từ nay đến 2020 sẽ đạt kết quả khả quan.
KIM CHI