Cặp kính lão choán gần hết gương mặt nhỏ; bên trên cái cằm nhọn là nụ cười hiền khô. “Chân dung” nhà báo Hoàng Chương, Trưởng phòng Xây dựng Đảng - Nội chính Báo Phú Yên rất dễ phác thảo và dễ nhớ. Nhưng nhớ hơn cả là những vần thơ của ông, lúc thì châm biếm, trào lộng, lúc thì hóm hỉnh tươi vui, lúc lại rất trữ tình.
Nhà báo Hoàng Chương - Ảnh: Đ.VINH
Nhà báo Hoàng Chương đến với thơ từ khi còn là cậu học trò. Năm lớp 8, với bài thơ mơ ước hòa bình, ông đoạt giải nhất thơ Trường trung học Phan Thanh Giản (Đà Nẵng). Những năm học cấp 3 rồi trở thành sinh viên sư phạm Văn Trường đại học Sư phạm Huế, ông sáng tác rất nhiều thơ, tiếc là không lưu giữ được. Hoàng Chương nói vui rằng vì hồi đó ông chưa có… máy vi tính.
Năm 1980, tốt nghiệp đại học, Hoàng Chương vào Phú Yên, dạy Văn tại Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa ngày nay) trong 2 năm, sau đó chuyển ra Trường THPT Lê Lợi (Đồng Xuân) và gắn bó với ngôi trường này cho đến năm 1991. Thời bao cấp, cuộc sống của giáo viên không như bây giờ. Vợ chồng ông đều làm nghề giáo, chật vật với đồng lương ít ỏi song cảm xúc thi ca không vì thế mà vơi cạn. Hoàng Chương vẫn làm thơ về nghề giáo, về tình yêu, cuộc sống đời thường. Ông đã đoạt giải cao trong cuộc thi thơ về nghề giáo do Sở GD-ĐT tổ chức. Nhà giáo quê xứ Quảng này lại nói vui: “Hồi đó không có dạy thêm học thêm. Sau giờ lên lớp, tôi về nhà ẵm con cho vợ, rảnh rỗi nên làm thơ”.
Khoảng giữa năm 1991, Hoàng Chương chuyển công tác về Báo Phú Yên. Cứ ngỡ môi trường báo chí gần thi ca hơn, hóa ra không phải. Những người làm báo chịu nhiều áp lực, nhất là về thời gian và càng về sau, áp lực đó càng tăng lên khi Báo Phú Yên tăng dần từ 2 kỳ/tuần thành nhật báo. Trong guồng quay công việc của một trưởng phòng phóng viên, nhà báo Hoàng Chương hầu như không còn thời gian để lắng nghe và trải cảm xúc của mình thành câu chữ. Nhưng ông vẫn có cách để “trẻ hóa” tâm hồn: làm thơ châm, sau đó là thơ vui thể thao trong những mùa World Cup, Euro. Với bút danh Bút Bi, Bút Nguyên Tử, những bài thơ châm, vịnh Euro, vịnh World Cup của ông mang đến cho độc giả tiếng cười thú vị. Đây là một đoạn trong bài thơ Xơ rơ!!! “châm chích” người đàn ông lập “phòng nhì”:
“…Tưởng rằng kín, ai hay một sáng
Bắt quả tang khách sạn, vợ la
Bàn dân thiên hạ túa ra
Vỗ tay xem cảnh hai bà đánh ghen
Bên bồ nhí, một bên bà xã
Giữa là ông, khó quá thân trai
Thôi thì mau chóng gút - bai
Mặc cho song phụ tranh tài thấp cao…”
Lâu lâu, với bút danh Thạch Bi Sơn, ông tái ngộ bạn đọc yêu văn chương bằng những bài thơ về quê hương, về tình yêu, cuộc sống… Viết ít nhưng có chất lượng. Nhà báo sinh năm 1958 này đã hai lần đoạt giải nhất thơ trong hai cuộc thi do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên phối hợp tổ chức, viết về người lính Cụ Hồ và về công an nhân dân. Ông có một bài thơ xúc động về những người đã ngã xuống vì độc lập tự do:
“Mộ bia nằm với mộ bia
Thênh thang nắng gió đi về nơi đây
Trầm ngâm theo khói hương bay
Nghe rưng rưng nhớ những ngày đạn bom
Các anh, các chị không còn
Để cho đất nước vẹn tròn hôm nay
Cho trời xanh biếc mây bay
Cho trái chín gọi vườn đầy tiếng chim…”
(Chiều nghĩa trang)
Nhà báo Hoàng Chương chia sẻ: “Làm thơ cần cảm xúc, trải nghiệm và dụng công trong câu chữ. Đừng có nói là uống rượu ngà ngà say thì làm thơ! Làm được một bài thơ hay rất khó”.
Cũng như nhiều người cầm bút khác, nhà báo Hoàng Chương thấy mừng khi càng về sau càng có nhiều người làm thơ, xuất bản thơ. Chỉ tiếc là trong “rừng thơ” ấy ít khi gặp được bài thơ lay động trái tim người đọc.
VIỆT PHƯƠNG