Ngày 9/5, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Cục sẽ quy định cụ thể về mức trần tiền ký quỹ của người đi xuất khẩu lao động và quy định mẫu hợp đồng trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tư vấn cho lao động trước khi đưa đi xuất khẩu lao động. - Ảnh minh họa: TTXVN |
Cụ thể, hai vấn đề ký quỹ và mẫu hợp đồng này sẽ được quy định tại hai thông tư hướng dẫn điều 17 và điều 23 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và ban hành trong vài tháng tới.
Đối với hợp đồng lao động, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, mặc dù Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được ban hành năm 2006 nhưng cho đến nay vẫn chưa có quy định chung về mẫu hợp đồng cung ứng lao động và mẫu hợp đồng xuất khẩu lao động.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thường căn cứ vào thực tiễn hoạt động và mẫu hợp đồng do đối tác cung cấp để đặt ra các tiêu chí, điều kiện hợp đồng theo cách riêng của doanh nghiệp. Điều này đã dẫn đến sự không thống nhất giữa các hợp đồng, làm phát sinh những tranh chấp không đáng có giữa doanh nghiệp Việt
Đối với tiền ký quỹ, trước khi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được ban hành, việc ký quỹ của người lao động được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 107/2003-TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 07/11/2003 hướng dẫn thực hiện chế độ tài chính đối với người lao động và doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định (khi đó tiền ký quỹ gọi là tiền đặt cọc).
Theo quy định tại thông tư này, doanh nghiệp ngoài việc được thu tiền đặt cọc theo mức tại thông tư, nếu xét thấy tiền đặt cọc theo quy định không đủ để thực hiện việc bồi thường, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động về biện pháp ký quỹ để đảm bảo thực hiện hợp đồng.
Do tự thỏa thuận ký quỹ nên tại một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều hình thức ký quỹ khác nhau như giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, giữ giấy tờ có giá trị… dẫn đến khi xảy ra những rủi ro trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài đã kéo theo những tranh chấp khó xử lý về bồi thường cho lao động, hoàn tiền kỹ quỹ… Ngay cả việc doanh nghiệp sử dụng, quản lý tiền kỹ quỹ của người lao động cũng gặp khó khăn.
Như vậy, những quy định đã có không còn đáp ứng được yêu cầu của thực tế nên cần phải có quy định cụ thể mức trần ký quỹ và cần chi tiết đến từng thị trường hoặc từng ngành nghề đặc biêt. Tiền ký quỹ sẽ được sử dụng khi lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro, muốn trở về nước... Đặc biệt, đây cũng là một trong những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng khi đi làm việc ở nước ngoài.
Mặc dù chưa thể công bố cụ thể mức trần ký quỹ mà người đi xuất khẩu lao động sẽ phải đóng nhưng bà Trần Thị Vân Hà, trưởng phòng thông tin tuyên truyền Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết mức ký quỹ này sẽ được quy định cụ thể theo từng thị trường xuất khẩu lao động và theo tùy từng ngành nghề.
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục đang tiến hành lấy ý kiến các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, các sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các tổ chức lao động quốc tế tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để hoàn thiện thông tư cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành.
Theo Vietnam+