Thứ Năm, 10/10/2024 01:15 SA
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Kim Chi:
Cần nhìn nhận thấu đáo về vấn đề bình đẳng giới
Thứ Bảy, 27/04/2013 14:30 CH

Bình đẳng giới là vấn đề luôn được nhiều người, nhiều tầng lớp phụ nữ quan tâm, nhất là thể hiện trong thực tế cuộc sống. Báo Phú Yên phỏng vấn bà Đặng Thị Kim Chi, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa XIII, một số nội dung xung quanh vấn đề này.

 

dieu-hanh130427.jpg

Nam, nữ có quyền bình đẳng như nhau (ảnh chỉ mang tính minh họa) - Ảnh: CTV

* Bà có thể cho biết những khó khăn gặp phải khi lồng ghép chính sách bình đẳng giới với các quy định khác vào cuộc sống?

 

- Khó khăn nhất là chế tài trong luật của chúng ta chưa nghiêm, xử lý cũng không nghiêm nên không đủ sức răn đe. Những quy định giữa các luật về vấn đề này còn thiếu đồng bộ (như quy định giữa Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Bên cạnh đó, thiếu sự quan tâm của những người trực tiếp soạn thảo và thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở.

 

* Vừa là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh vừa là nữ ĐBQH, vấn đề giới được bà quan tâm như thế nào? Đặc biệt, tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đóng góp vào việc lồng ghép giới trong xây dựng luật như thế nào?

 

- Là một phụ nữ nên tôi luôn quan tâm đến vấn đề giới và vấn đề phụ nữ. Và trong hoạt động đại biểu Quốc hội của mình, nếu có điều kiện được tham gia góp ý dự án luật thì hầu như tôi đều nêu những vấn đề có liên quan đến quyền lợi của phụ nữ. Ví dụ như trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), tôi đề cập đến tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, làm sao để bảo đảm sự bình đẳng, để phụ nữ khi nghỉ hưu thì mức thu nhập không thấp hơn nam giới. Hoặc là về chế độ thai sản của phụ nữ, tôi đồng ý thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ là 6 tháng. Đặc biệt, tôi cũng đề cập đến chế độ thai sản cho lực lượng lao động nữ làm việc tự do ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Mặc dù trong Bộ luật Lao động không điều chỉnh đối tượng này, nhưng trong giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu một ý là đề nghị Chính phủ phải lưu ý đến chế độ thai sản của đối tượng này để triển khai trong những chương trình mục tiêu quốc gia.

 

Ở kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi thảo luận về Luật Hợp tác xã, tôi quan tâm đến đối tượng lao động nữ là xã viên trong các hợp tác xã nông nghiệp, bởi vì ở nông thôn phụ nữ chiếm tỉ lệ hơn 73%, nhưng tỉ lệ xã viên chỉ chiếm khoảng 33%. Vì thế, tôi đề nghị trong Luật Hợp tác xã phải có những điều khoản quy định về tỉ lệ nữ trong ban đại diện hội đồng quản trị, trong ban thanh tra… để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia hợp tác xã đông hơn và có việc làm ổn định hơn.

 

* Theo bà, việc lồng ghép giới trong chương trình xây dựng luật của chúng ta hiện nay đã đáp ứng được như yêu cầu chưa? Có điều gì bà còn trăn trở?

 

- Về lồng ghép giới trong xây dựng luật, mặc dù Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định những luật nào có yếu tố giới thì cần phải có lồng ghép giới. Nhưng tôi thấy hiện nay có một số luật chưa được quan tâm thấu đáo và chưa thực hiện đúng quy định này.

 

Nếu nói trăn trở thì còn nhiều lắm. Ví dụ như đối tượng là lao động nữ, phụ nữ ở vùng nông thôn, thường ít được học hành chu đáo cộng với tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại. Phụ nữ lại hay nhường nhịn, giàu đức hy sinh, nên đôi khi là người làm rất nhiều việc, thậm chí là lao động chính trong gia đình nhưng lại ít có quyền lợi. Do đó, đối với chị em, việc bình đẳng giới cũng chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo. Còn trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các cơ quan đảng, đoàn thể… chúng ta đã có Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Luật Bình đẳng giới; nhiều cuộc họp, hội thảo nói về vấn đề bình đẳng giới nhưng thực tế, khi đi vào từng sự việc, con người cụ thể thì rõ ràng chưa đáp ứng được yêu cầu này. Điều đó thể hiện qua tỉ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp, nữ đại biểu Quốc hội, nữ tham gia các cấp ủy từ trung ương đến địa phương chưa như mong muốn. Rõ ràng tỉ lệ nữ chưa tương xứng với lực lượng lao động và năng lực, sự cống hiến của lao động nữ. Vì vậy, để bảo đảm được bình đẳng giới thì nó vẫn còn là một quá trình lâu dài mới đạt được yêu cầu đặt ra.

 

* Bà có đề xuất gì cho việc thực hiện vấn đề này?

 

- Từ thực tế trên, tôi rất băn khoăn, trăn trở phải làm thế nào để chị em có được năng lực, trình độ, có nguồn vốn để phát triển kinh tế, việc làm ổn định, có thu nhập để nâng vị thế của chị em trong gia đình cũng như trong xã hội; làm thế nào để có được nhiều cán bộ nữ tham gia trong các cơ quan dân cử hoặc trong các bộ máy lãnh đạo các cấp chính quyền, đảng, đoàn thể… Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục góp tiếng nói để vấn đề bình đẳng giới đạt hiệu quả hơn, đúng thực chất hơn.

 

* Xin cảm ơn bà!

 

THU HÀ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek