Thứ Năm, 10/10/2024 01:18 SA
Phòng chống dịch bệnh cho gia súc trong mùa nắng nóng
Thứ Bảy, 27/04/2013 10:30 SA

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên vật nuôi cao như hiện nay, ngành Thú y, các địa phương và người chăn nuôi đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc.

 

bo130427.jpg

Bổ sung thức ăn thô, xanh tăng cường sức đề kháng cho gia súc - Ảnh: T.HƯƠNG

Theo Chi cục Thú y tỉnh, hiện thời tiết đang vào mùa hè, khí hậu nắng nóng, oi bức, là yếu tố bất lợi trong chăn nuôi. Vật nuôi giảm ăn, uống nhiều nước, sức đề kháng giảm và dễ nhiễm bệnh, nhất là các loại bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm long móng... Gia súc chăn thả ngoài đồng, trên rẫy trong thời tiết nắng nóng dễ bị cảm nắng, có thể bị chết nếu không có biện pháp phòng, trị tích cực. Để chủ động phòng chống dịch bệnh lây nhiễm, bảo toàn đàn vật nuôi của địa phương, Chi cục Thú y tỉnh đã yêu cầu Trạm Thú y các địa phương chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở rà soát số lượng đàn vật nuôi và tuyên truyền công tác vệ sinh, phòng bệnh đến các hộ chăn nuôi; tổ chức tiêm phòng bổ sung cho số vật nuôi mới nhập đàn…

 

Tại huyện Sơn Hòa, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc trong mùa nắng nóng, các ngành chức năng đã tuyên truyền vận động người dân vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh, đảm bảo nền chuồng cao ráo, thoát nước tốt, giảm mật độ nuôi nhốt gia súc, sử dụng rơm rạ phủ mái chuồng để giảm nhiệt độ chuồng nuôi. Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho biết: Tổng đàn trâu bò của huyện khoảng 21.600 con, trên 90% các hộ nuôi đều đảm bảo được chuồng trại thông thoáng để nuôi nhốt gia súc. Hiện các hộ chăn nuôi đều tích trữ rơm rạ, sử dụng đọt mía, bắp… để làm thức ăn cho gia súc. Đặc thù của địa phương là chăn thả gia súc rông nên ngành cũng đã tuyên truyền cho bà con hạn chế việc chăn thả ở đồng xa, dễ suy kiệt sức khỏe gia súc; buổi sáng đi chăn thả sớm, còn buổi chiều chăn thả muộn để tránh nắng nóng.

 

Công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc mùa nắng nóng cũng được huyện Sông Hinh quan tâm từ sớm. Theo Phòng NN-PTNT huyện này, ngay từ những tháng đầu năm, phòng đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn cho các địa phương, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện những biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan. Trong đó, việc chuẩn bị thức ăn dự trữ cho vật nuôi được đặc biệt chú trọng. Ông Huỳnh Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Tổng đàn trâu, bò của huyện Sông Hinh hơn 19.600 con, hầu hết là đàn bò của bà con đồng bào dân tộc thiểu số với tập quán chăn thả rông và phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên là chủ yếu. Trước những thực trạng trên, thời gian qua huyện đã triển khai nhiều mô hình trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Đến nay, hầu hết các hộ người Kinh đều đã có diện tích cỏ trồng để nuôi trâu, bò; riêng các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số thì còn hạn chế. Hiện chúng tôi triển khai mô hình trồng cỏ nuôi bò cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Bầu, xã Ea Trol.

 

Còn theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng trạm Thú y huyện Đồng Xuân, đơn vị này đã phối hợp cùng địa phương hướng dẫn người dân nhận biết các triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh cảm nắng, cảm nóng trên gia súc. Khi phát hiện trâu, bò tỏ ra mệt mỏi, thân nhiệt tăng cao, chân đi lảo đảo, thở gấp..., người chăn nuôi cần đưa gia súc vào chỗ thoáng mát hoặc che nắng cho gia súc. Dùng nước mát dội toàn thân, sau đó dùng thuốc trợ sức, trợ lực như đường, Vitamin C và cho gia súc nghỉ ngơi, không làm việc 4 đến 5 ngày. Nếu các trường hợp gia súc bị cảm nắng mà không được phát hiện và hỗ trợ kịp thời gia súc rất dễ suy kiệt, chết.

 

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Vừa qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện bệnh lở mồm long móng kế phát tụ huyết trùng trên bò tại xã An Phú (TP Tuy Hòa) làm một số bò bị chết. Ngành Thú y khuyến cáo bà con khi phát hiện gia súc có những triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, khó thở, yếu nhanh, quan sát các vị trí móng chân và mồm bị lở loét… phải báo ngay với cơ quan chức năng để có biện pháp điều trị kịp thời, khống chế bao vây ổ bệnh không để lây lan rộng. Người dân tuyệt đối không được vận chuyển gia súc bệnh ra khỏi địa bàn, không ăn thịt những con đã chết và hạn chế thả rông; thường xuyên tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường hoặc rắc bằng vôi bột trước khi nuôi gia súc mới; đồng thời bổ sung thức ăn thô xanh, nước uống, cần thiết phải bổ sung thêm các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.

 

T.TIÊN - N.NHƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek