Thứ Sáu, 11/10/2024 17:18 CH
“Chợ di động” vùng cao
Thứ Sáu, 29/03/2013 08:30 SA

“Chợ di động” là từ mà người dân dành cho những chiếc xe thồ mang thức ăn và hàng hóa từ miền xuôi lên miền ngược.

 

cho130329.jpg

Người dân thôn Suối Cối mua hàng ở “chợ di động” - Ảnh: H.LUÂN

ĐÁP ỨNG ĐẦY ĐNHU CẦU

 

Xã Xuân Quang 1 (Đồng Xuân) có hai chợ nhỏ là chợ Kỳ Lộ (thôn Kỳ Lộ) và chợ Suối Cối (thôn Suối Cối). Chợ họp 9 lần/tháng vào các buổi sáng. Đường sá đến các chợ này trắc trở, các tiểu thương rất ngại đem thức ăn, hàng hóa lên xã để họp chợ. Chị Nguyễn Thị Tư, tiểu thương chợ Suối Cối, cho biết: “Đi họp chợ ở Kỳ Lộ rất khó khăn nên từ thị trấn La Hai tôi chỉ lên đó họp 1-2 lần/tuần. Tôi phải dậy từ 4g sáng để chuẩn bị. Đường đi khó, nhiều lúc xe hư không tìm ra chỗ sửa”. Hàng hóa ở đây cũng ít, không cung cấp đủ cho gần 1.140 hộ dân tại xã. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, do ở xa trung tâm xã, phương tiện đi lại hạn chế nên mọi người rất hiếm khi đến chợ. Từ khi có “chợ di động”, người dân không còn lo chuyện đi lại. Hàng ngày, các xe thồ chở hàng từ thị trấn La Hai và xã Xuân Phước đến tận nhà để bán cho người dân. “Chợ di động” hoạt động cả ngày. Đến khi nào bán hết số hàng chở đi, họ mới quay về.

 

“Chợ di động” thường dừng tại một bóng cây cố định ở từng xóm, thời điểm gần trưa lúc người dân đi làm về. Bà con mua xong thường ghi lại đồ ăn và hàng hóa muốn mua cho ngày hôm sau vào một tờ giấy nhỏ. Người chủ “chợ di động” ghi vào sổ hàng của ngày hôm sau, vì vậy, thức ăn và hàng hóa luôn đầy đủ, phong phú cho bà con. Giá bán các mặt hàng ở “chợ di động” như gạo, rau, củ quả, thịt heo, cá chênh lệch từ 2.000-5.000 đồng/kg so với giá bán tại các chợ. Giá quần áo và vật dụng khác cũng có mức chênh lệch tương tự. Chị La Thị Mơ (thôn Suối Cối) cho biết: “Có người đem thức ăn, quần áo đến tận thôn, buôn để bán nên rất tiện, chúng tôi không phải đi bộ một đoạn đường dài để đến chợ”. Tại một điểm dừng của chợ, chị La O Bơ (thôn Suối Cối) đang mua thức ăn và quần áo nói: “Nhà tôi đặt mua mấy hôm trước, sáng nay đã có quần áo mới cho tụi nhỏ mặc rồi. Tôi không phải lặn lội xuống chợ Xuân Phước để mua nữa”.

 

Chủ các “chợ di động” là vợ chồng đi bán cùng nhau, hoặc phụ nữ đi một mình. Chị Trần Thị Quý, chủ một “chợ di động” đã hơn 5 năm cho biết: “Tôi chở rau, củ và thịt bán cho người dân từ thôn Phước Nhuận (xã Xuân Quang 3) đến thôn Suối Cối. Đường rất khó đi lại hẻo lánh nên lúc trước phải nhờ chồng tôi chở đi. Bây giờ đã quen đường nên tôi đi bán một mình còn chồng ở nhà làm việc khác kiếm thêm thu nhập. Đem hàng đến từng nhà để bán, tuy cực nhọc nhưng hàng hóa bán rất chạy”.

 

MUA BÁN HAI CHIỀU

 

Một “chợ di động” phải hoạt động cả ngày mới đến được tất cả các hộ dân. Để không lãng phí công sức và chi phí cho một chuyến chợ, những người buôn bán “chợ di động” vừa bán hàng vừa thu mua lại nông phẩm của bà con rồi đem về các xã, thị trấn bán lại. Với cách buôn bán này, mỗi ngày họ có thể kiếm được từ 300.000-500.000 đồng. Lợi nhuận cao nên bất kể nắng hay mưa các “chợ di động” vẫn duy trì hoạt động khoảng 3-4 lần/tuần để đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm cho người dân.

 

Đồng bào Chăm H’roi ở Kỳ Lộ có thói quen mua nợ, rồi đến mùa thu hoạch nông sản mới có tiền để trả. Vì vậy, những người hành nghề “chợ di động” thường chủ động thu mua các nông sản dễ vận chuyển như chuối, bắp, gà… để duy trì hoạt động. Khi đời sống của bà con còn khó khăn; phương tiện đi lại hạn chế thì những “chợ di động” góp phần tạo thuận lợi trong sinh hoạt cho người dân xã Xuân Quang 1 và các vùng lân cận.

 

HUỲNH LUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek