Thứ Sáu, 11/10/2024 17:20 CH
Nghề cũ gieo neo giữa phố
Thứ Sáu, 29/03/2013 14:00 CH

Đời sống con người càng ngày càng phát triển, có những nghề mới phát triển rầm rộ thì cũng có những nghề cũ tồn tại nhưng dần bị mài mòn theo năm tháng, trở thành chứng nhân lịch sử cho những ngày tháng đã qua. Sang sợi là một nghề như thế.

 

nghe-cu130329.jpg

Chỉ với một cây kim may thông thường, chị Thạnh đã “hóa phép” cho những quần áo rách trở nên lành lặn - Ảnh: T.HÀ

THƯƠNG CHO TỪNG ĐƯỜNG KIM MŨI CHỈ

 

Đi khắp TP Tuy Hòa, chỉ thấy có một nơi là còn để tấm bảng “Sang sợi”. Tấm bảng đã cũ kỹ nhưng so với nghề sang sợi thì tuổi tác vẫn còn kém xa. TP Tuy Hòa đã thành đô thị loại II, rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn, nhưng tấm bảng bao nhiêu năm nay vẫn nằm đó, lặng lẽ và cũ kỹ. Người lớn có khi còn nhớ, còn nghĩ tới nghề sang sợi; còn trẻ con lớn lên chẳng biết sang sợi là gì. Tôi cũng thuộc vào lớp người nhỏ ấy. Mang thắc mắc trong lòng, tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Thạnh ở 2/5 Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), là chủ nhân của tấm bảng sang sợi còn sót lại ở TP Tuy Hòa.

 

Chị Thạnh cho biết, nghề sang sợi đã có từ lâu. Trước chị, đã có nhiều gia đình làm nghề này. Vào đầu những năm 80, thấy nhiều người có nghề sang sợi làm ăn được nên chị Thạnh cũng vào Nha Trang học nghề (có hẳn hoi một khóa đào tạo như thế) sau đó về mở một cơ sở nhỏ tại nhà. Chị Thạnh nhớ lại: “Hồi đó, quần áo, vải vóc còn hiếm nên nghề này làm được lắm. Hằng ngày, có rất nhiều người mang quần áo tới nhờ tôi sang sợi. Đồ đạc nhiều, có ngày lên đến mấy chục cái, một mình làm không xuể, tôi lại “đào tạo” cho người nhà cách sang sợi. Cả gia đình cùng làm mà không hết việc”.

 

Theo một số người lớn tuổi ở TP Tuy Hòa, thì nghề sang sợi cũng chỉ nổi lên độ 5-10 năm. Đến khoảng giữa những năm 90 công việc này bắt đầu chững lại. Lúc này, đời sống của người dân đã khấm khá hơn; vải vóc dễ mua nên quần áo hư người ta bỏ đi chứ không vá víu hay sang sợi. Theo đó, nghề sang sợi cũng mai một dần. Về sau, sang sợi chỉ được xem là công việc lúc nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập.

 

Hiện tại, chị Thạnh là giáo viên của Trường mầm non tư thục Bích Du (phường 2, TP Tuy Hòa). Với công việc này, thời gian một ngày của chị Thạnh thường là ở trường học. Ở nhà, mẹ và anh trai chị Thạnh đảm nhận việc nhận và giao hàng cho khách. Còn việc sang sợi, chị Thạnh sẽ làm thêm vào buổi tối. Gọi là công việc làm thêm nhưng cũng phải học hành qua trường lớp, bên cạnh đó, còn phải chịu khó, tỉ mỉ và có một chút khéo tay mới làm tốt được. Chị Thạnh chia sẻ: “Công việc này chỉ cần mỗi cây kim. Thường khi khách mang đồ tới, tôi phải kiếm một miếng vá cùng màu để đắp lên trên chỗ quần áo bị rách. Sau đó sẽ là công đoạn tách sợi, bỏ bớt phần sợi ngang, chỉ để lại những sợi vải cùng chiều. Từ những sợi vải này, người thợ sẽ dùng kim, luồn từng sợi vải vào quần áo, giúp giữ chặt miếng vá vào quần áo. Sau khi sang sợi xong, quần áo sẽ trở nên lành lặn. Dấu vết sang sợi chỉ có một đường chỉ nhỏ hình vuông, nếu không nhìn kỹ sẽ rất khó nhận ra”.

 

Ban đầu, để sang sợi cho được một miếng vá, chị Thạnh mất cả 2-3 ngày. Nay làm quen rồi thì chỉ cần 30 phút cho một miếng vá nhỏ. Miếng vá to hơn thì khoảng vài tiếng đồng hồ. Vì sự tỉ mỉ này mà quần áo được chữa lành lặn theo một cách thẩm mỹ hơn.

 

CÓ ĐI VÀO LÃNG QUÊN?

 

Chị Thạnh cho biết, công việc này phát đạt nhất là vào thời điểm những năm 1990, 1991. Thấy làm đắt hàng nên có rất nhiều người đi học nghề để về làm. Nhưng nghề này nổi lên độ 10 năm rồi bắt đầu lắng lại. Sau đó, không còn ai đi học nghề nữa. Chỉ còn những người đã có nghề là vẫn còn tiếp tục duy trì. Nhưng số lượng này cũng còn chỉ đếm đầu ngón tay. Chị Thạnh không biết những thế hệ sau mình rồi thì có còn ai nhớ đến nghề sang sợi?

 

Qua rồi cái thời mà cả nhà chị Thạnh xắn áo vào sang sợi. Càng về sau, hàng hóa càng ít, mỗi tháng chị Thạnh nhận khoảng 20 cái quần áo. Bao nhiêu đó không đủ cho một mình chị Thạnh làm. Những người khác trong gia đình chị cũng đã thôi làm nghề, và tìm cho mình những công việc ổn định hơn. Tuy vậy, khách hàng vẫn chưa hết hẳn. Có nhiều người cuộc sống đã khá giả nhưng vẫn giữ thói quen sang sợi khi quần áo bị rách chút ít. Họ mang tới quần áo đủ loại, từ chất liệu vải bình thường, đến đồ jean, kaki, tơ lụa, len sợi, thậm chí cả những bộ veston sang trọng. Khách hàng của chị Thạnh không nhiều nhưng đủ thành phần, và chủ yếu là những người đã có tuổi. Khách đến vá lại, khi thì một cái váy mới mua không may bị rách, khi là một vật kỷ niệm hay một cái áo hoặc một cái quần đẹp không nỡ bỏ đi.

 

Khách hàng càng thưa, người làm nghề cũng nghỉ dần. Nếu ngày trước, ở thành phố có trên chục người làm nghề; thì về sau, chỉ còn độ 1-2 người. Trong số đó, có những người đã lớn tuổi, có người chuyển sang công việc khác; một vài người như chị Thạnh biết thì xuất cảnh ra nước ngoài, nên nghề mai một dần đi. Ở TP Tuy Hòa, chị Thạnh không còn thấy treo những tấm bảng sang sợi nào nữa: “Có thể nghề này sẽ không còn tồn tại được lâu, nhưng cũng chưa đến mức mất hẳn. Nghề sang sợi đã góp phần làm đẹp thêm cho những tấm áo, manh quần ở vào cái thời người dân ta còn rất khổ. Nó đã làm tròn nhiệm vụ rồi. Nếu nghề này mất đi để thay thế bằng những nghề khác mới hơn, thì cũng là hợp lý. Nhưng nói là nói thế, chứ vẫn còn nhiều người có tình với sang sợi thì nghề vẫn chưa mất đi được ”- chị Thạnh tâm sự.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek