Thứ Tư, 27/11/2024 14:26 CH
Điện tử hóa trong giải quyết công vụ:
Tiện lợi đôi đường
Thứ Sáu, 22/02/2013 15:00 CH

Nhờ hiện đại hóa bằng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc giải quyết giấy tờ, chuyển tiền, nộp thuế… mà mối quan hệ giữa cán bộ và người dân được cải thiện rõ rệt; công việc của người quản lý nhà nước nhẹ nhàng hơn và bớt phiền hà người dân…

 

cong-nghe130222.jpg

Bộ phận “một cửa” ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong giải quyết công vụ - Ảnh: T.THẢO

NGƯỜI DÂN ĐỒNG TÌNH

Hiện nay, người dân luôn muốn được thụ hưởng đầy đủ mọi tiện ích trong các mối quan hệ với chính quyền để tiết kiệm tối đa thời gian, tiền bạc. Do đó, họ cũng đã tự tìm hiểu, trao đổi, tham gia đóng góp ý kiến; nhiều gia đình cũng đã trang bị máy vi tính nối mạng; nhiều tiệm internet mở ra để phục vụ nhu cầu này. Ông Hoàng Hải (xã Hòa Bình 1, Tây Hòa) vui vẻ nói: “Bây giờ chỉ cần ở nhà mở mạng lên là có thể tìm hiểu tất cả các thông tin, những mẫu đơn để làm các thủ tục hành chính, hay tham gia góp ý các luật qua mạng… Đến cơ quan nhà nước, ta chỉ đợi nhập tên và các con số là có thể làm xong các giấy tờ. Ban đầu chưa quen thấy khó nhưng nhờ con cháu chỉ vài lần là tôi rành”. Còn anh Phan Đắc Kháng, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Đắc Thành (TP Tuy Hòa), cho biết: “Trước đây, mỗi lần nộp thuế công ty phải mất rất nhiều thời gian do làm các thủ tục giấy tờ, nay chỉ cần vài thao tác chuyển khoản qua ngân hàng là xong. Không những thế, ngân hàng còn làm việc cả sáng thứ bảy nên chúng tôi có thêm thời gian chứ không phải đóng khung trong giờ hành chính”.

Việc ứng dụng CNTT không có gì lạ với các cơ quan nhà nước. Đặc biệt là với các bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” của các cơ quan. Bên cạnh đó, thời gian qua các cơ quan cũng rất chú ý đào tạo kỹ năng CNTT cho nhân viên hướng tới xã hội hóa điện tử.

Ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho biết: “Việc ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc đã tạo mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trở nên nhẹ nhàng, giảm thời gian đi lại nên không có tình trạng hồ sơ bị tồn đọng. Đơn giản nhất hiện nay, người dân hay học sinh trên địa bàn tỉnh muốn biết thông tin về ngành Giáo dục tỉnh, điểm thi, tuyển sinh, thủ tục nộp hồ sơ chỉ cần vào trang thông tin của sở là có đầy đủ”. Theo ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Phú Yên, nhờ việc ứng dụng CNTT trong quá trình giao dịch mà số lượng người nộp thuế, người sử dụng thẻ, gởi tiền… ngày một tăng. Tầm quan trọng của CNTT còn gắn với công tác điều hành, cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền gần dân.

NGÀY CÀNG HIỆN ĐẠI

Mô hình “một cửa liên thông” trong Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là mô hình tốt và ngày càng phát huy hiệu quả. Cụ thể, người dân chỉ việc đến một nơi để đưa yêu cầu, sau đó bằng hệ thống điện tử yêu cầu đó sẽ được chuyển đến bộ phận thực hiện, dù yêu cầu có thể liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau. Nói cách khác, nội bộ các cơ quan sẽ thông suốt với nhau, xác định được quy trình và thời hạn giải quyết… Ngoài ra, CNTT còn tạo áp lực phải CCHC vì mọi trì trệ, ách tắc của bộ máy sẽ lộ diện qua môi trường điện tử hóa. Các hoạt động của bộ máy dịch vụ công khi được thực hiện trên môi trường điện tử sẽ được kiểm soát theo các chuẩn mực, tính kỷ cương của nền hành chính.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, mối quan hệ CNTT và CCHC sẽ tạo sự thông suốt, hiệu quả cho bộ máy công quyền. Muốn CCHC tốt yêu cầu phải thiết lập các hệ thống CNTT và khi đó, mức độ cải cách sẽ linh hoạt hơn, giải quyết được những công việc có quy mô lớn hơn. Và ngược lại, ứng dụng CNTT là một trong các giải pháp nhằm mục tiêu CCHC vì CCHC mang tính hiệu quả, chất lượng, làm bộ máy chuyển từ “chèo” sang “lái”, từ “xin-cho” sang phục vụ và làm cho nền hành chính kiểm soát được lãng phí, thất thoát, tham nhũng. Qua ứng dụng CNTT đã tạo ra công dân điện tử, công chức điện tử, doanh nhân điện tử và tiến tới một Chính phủ điện tử… góp phần quan trọng cải thiện quan hệ chính quyền và nhân dân. Nhờ đó, người dân không phải mất nhiều thời gian khi nhận lương, chuyển tiền, nộp thuế, tìm kiếm thông tin về cơ quan, ngành…

Trong Đề án “Tăng tốc và tổng thể chiến lược quốc gia về phát triển CNTT của Chính phủ”, Chính phủ điện tử được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng nhất cần đạt được. Năm 2009-2010 được xem là giai đoạn bản lề để tiến tới kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 với các mục tiêu cơ bản là: Đổi mới phương thức cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến, đổi mới phương thức quản lý tài nguyên thông tin, xây dựng môi trường làm việc điện tử giữa các cơ quan nhà nước. Chính phủ điện tử khi đó chủ động cung cấp các dịch vụ theo vòng đời công dân từ lúc ra đời cho tới lúc chết theo cách mà công dân cảm thấy thuận lợi nhất khi truy cập vào. Chính phủ điện tử sẽ chủ động xử lý phản hồi từ người dân về các vấn đề liên quan đến chính sách, lập pháp, hành pháp, các dịch vụ mà người dân cần.

PHẠM THÙY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek