Những năm gần đây, phong trào hát nhạc sống (“Hát cho nhau nghe” ở các quán cà phê; nhạc sống tự phát ở gia đình) phát triển mạnh mẽ ở các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ở huyện Đông Hòa. Đây là hoạt động văn hóa tinh thần được đông đảo người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, hoạt động này cũng bắt đầu gây khó chịu cùng với sự phản ứng mạnh mẽ từ những người dân ngày ngày phải đối diện với nó.
Hát nhạc sống là hoạt động văn hóa tinh thần được nhiều người dân ưa chuộng - Ảnh: T.HÀ
CUỘC SỐNG Ý NGHĨA HƠN
Nhạc sống phổ biến cách đây khoảng 5 năm, và từ đó đến nay, nó đã thu hút được sự tham gia của mọi giới, mọi lứa tuổi. Nếu như người trẻ chủ yếu tham gia hát hò ở các tụ điểm “Hát cho nhau nghe” ở quán cà phê, thì người lớn tuổi nhất là tuổi trung niên thường thuê dàn nhạc để được thỏa sức ca hát ở gia đình. Đây là một trong những hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh, giúp thanh thiếu niên có một sân chơi bổ ích, tránh các lối chơi vô bổ; giúp người lớn tuổi có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, trao đổi những vấn đề trong cuộc sống.
Bà Nga, ở thôn 2 (xã Hòa Vinh, Đông Hòa) vốn chỉ biết làm ruộng, lo cho gia đình. Khi các con của bà lớn, có công việc ổn định, bà Nga bắt đầu tham gia ca hát với nhóm bạn bè trong thôn, rồi trong xã. Bà Nga chia sẻ: “Lúc trước tui chỉ biết có làm việc nên mới 8g tối đã mắc màn đi ngủ. Giờ thì, sau khi làm việc tui dành ít thời gian để đi hát hò với bạn bè. Nhờ vậy mà tui thấy vui và khỏe hơn”.
Cũng ở xã Hòa Vinh, tại thôn 3, bà Mười năm nay đã trên 50 tuổi, chồng mất cách đây hơn 10 năm, các con đều đã lớn và có gia đình nên nhiều lúc bà cảm thấy cô đơn. Được bạn bè mời mọc, bà Mười thử tham gia hát nhạc sống vài lần rồi mê luôn. Bà Mười chia sẻ: “Nhờ hát nhạc sống mà tôi thấy mình yêu đời hơn, các con thấy mẹ tìm được niềm vui cho riêng mình nên ít lo lắng và tập trung vào công việc làm ăn. Một tuần mà tôi không hát được một, hai lần là cảm thấy nhớ”.
Không chỉ với bà Nga, bà Mười, nhạc sống thực sự là cầu nối để những người trung niên có thể thỏa mãn niềm đam mê ca hát cũng như tạo cơ hội để họ có thể gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Thế nhưng, bên cạnh những cái hay, nhạc sống cũng mang lại rất nhiều điều phiền phức. Oái ăm thay, hệ lụy từ hoạt động này không rơi vào những người ca hát mà lại rơi vào các thính giả “bất đắc dĩ”.
ĐỂ NHẠC SỐNG ĐI VÀO NỀ NẾP
Gần đây, hoạt động hát nhạc sống tại nhà bùng phát mạnh. Đám cưới chơi nhạc sống đã đành, đám giỗ cũng nhạc sống, tết cũng nhạc sống, sinh nhật, tân gia, ăn mừng…, thậm chí không có dịp gì người ta cũng thuê nhạc sống về hát. Vì tâm lý lâu lâu mới có một lần nên những gia đình lân cận thường chỉ khó chịu mà không phản ứng. Sự phản ứng mạnh chủ yếu phát xuất từ những hộ gia đình sống gần kề những tụ điểm “Hát cho nhau nghe”, nơi mà âm nhạc đã trở thành nỗi ám ảnh.
Bà Lê Thị Thủy ở thôn 2, xã Hòa Vinh có nhà gần kề quán cà phê Ảo Ảnh bức xúc nói: “Bó tay. Tôi chỉ còn nước nhờ chính quyền can thiệp. Cô xem cái ti vi này, khi nào muốn xem, tôi phải mở âm lượng ở mức gần 100 mới nghe được. Giờ cái ti vi hư rồi. Tôi có 3 đứa con, nhưng có hai đứa không chịu nổi âm thanh hằng đêm nên phải gửi ra TP Tuy Hòa học. Chỉ còn đứa nhỏ nhất học lớp 7 là còn ở nhà vì cháu còn nhỏ. Âm thanh to quá mức và dội ngược vào nhà làm cho tôi rất mệt mỏi, dễ nảy sinh cáu gắt và không kiềm chế được nóng nảy”.
Còn thầy Sơn, một giáo viên về hưu là hàng xóm của bà Thủy cho biết: “Những gia đình ở đây viết đơn không biết bao nhiêu lần, gửi từ xã lên huyện. Chính quyền địa phương cũng có xuống làm việc với các chủ quán nhưng đâu rồi cũng vào đấy, tụ điểm này vẫn cứ hoạt động như thường. Âm thanh nhạc sống làm cho trẻ con không học bài được. Người lao động, người già không thể nghỉ ngơi. Cứ như thế này, không khéo chúng tôi trở thành người điên”.
Nhận được nhiều kiến nghị của người dân và theo tinh thần Công văn số 1066/SVHTTDL-NVVH ngày 17/10/2012 của Sở VH-TT-DL Phú Yên về việc tăng cường quản lý hoạt động hát nhạc sống tự phát, UBND huyện Đông Hòa đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan và UBND các xã tăng cường công tác quản lý hoạt động hát nhạc sống trên địa bàn huyện. Ngoài việc phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của UBND huyện Đông Hòa còn ghi rõ: “Đối với loại hình “Hát cho nhau nghe”: mỗi tuần được tổ chức 2 đêm, vào tối thứ 7 và chủ nhật, từ 19g đến 21g30. Đối với loại hình hát nhạc sống tự phát, được tổ chức không quá 5g/ngày và không quá 22g, tổ chức tại gia đình”.
Tuy có sự quản lý như vậy, nhưng hiện nay, các quán cà phê ở xã Hòa Vinh có chương trình “Hát cho nhau nghe” vẫn diễn ra hằng đêm. Giải thích về điều này, ông Nguyễn Văn Tín, cán bộ văn hóa xã Hòa Vinh nói: “Trước giờ chưa có quy định nên việc quản lý hát nhạc sống chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở. Khi Sở VH-TT-DL có văn bản gửi xuống thì UBND xã Hòa Vinh cũng đã thông báo cho bà con qua loa phát thanh. Tuy nhiên, văn bản của UBND huyện đến vào thời điểm gần tết, là thời gian nhiều học sinh, sinh viên, người lao động ở xa bắt đầu về quê ăn tết; nhu cầu cà phê - nhạc sống cũng tăng mạnh nên UBND xã Hòa Vinh không mạnh tay xử lý mà tạm thời để các quán hoạt động, làm nơi giải trí cho người dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có những biện pháp mạnh để chấn chỉnh lại hoạt động này. Cụ thể, sẽ chỉ cho phép các tụ điểm “Hát cho nhau nghe” hoạt động 2 ngày/tuần, vào thứ 7 và chủ nhật. Nếu các quán không chấp hành, sẽ bị cưỡng chế thu thiết bị âm thanh”.
THÁI HÀ