Cả năm tất bật chuyện cơm áo gạo tiền nên những ngày đầu năm, hàng ngàn lượt người đến chùa, mỗi người một tâm niệm khác nhau nhưng chung quy vẫn cầu mong những điều tốt đẹp đến trong năm mới.
Tháng Giêng đi lễ chùa là nét đẹp văn hóa tâm linh của đông đảo nhân dân - Ảnh: K.CHI
Cứ vào mùng 10, 11 tháng Giêng hàng năm, đông đảo nhân dân từ khắp nơi về chùa Sắc tứ Từ Quang (chùa Đá Trắng) thuộc thôn Cần Lương (xã An Dân, Tuy An) để tham dự lễ hội chùa Đá Trắng. Đây cũng là ngày giỗ của Hòa thượng Thích Phúc Hộ (1904-1985), trụ trì chùa Sắc tứ Từ Quang từ năm 1933. Lễ hội chùa Đá Trắng là hoạt động văn hóa có quy mô lớn do nhà chùa phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức từ năm 1997, khi chùa chính thức được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Chùa Đá Trắng còn nổi tiếng bởi có khu vườn mộ tháp của các vị tổ - là công trình kiến thúc nghệ thuật Phật giáo tiêu biểu, mang đậm bản sắc của vùng đất Nam Trung Bộ và nổi tiếng với vật phẩm xoài tiến vua.
Nằm ở lưng chừng đồi, khung cảnh thiên nhiên đẹp, lễ hội chùa Đá Trắng hằng năm luôn thu hút phật tử, khách thập phương khắp nơi đổ về. Trong không gian nghi ngút khói hương, phật tử thành kính chắp tay cầu nguyện. Giọng thuyết pháp trầm ấm của các sư thầy càng làm cho không khí lễ chùa đầu năm thêm trang nghiêm. Tết năm nào cũng vậy, cả gia đình bà Cao Thị Nhung (62 tuổi, ở phường 2, TP Tuy Hòa) cũng đi lễ chùa để cầu những điều tốt đẹp. “Năm nào gia đình tôi cũng đi các chùa trong tỉnh như Từ Quang, Bảo Tịnh, Bửu Lâm… để lạy Phật, cầu phước đức cho gia đình, mong một năm mới an lành, vạn sự như ý”, bà Nhung nói. Còn bà Trần Ngọc Vân Trâm ở phường 7 (TP Tuy Hòa) chia sẻ: Chúng tôi là những người làm ăn, năm nào cả nhà cũng đến chùa với tấm lòng thiện tâm cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc”.
Đi lễ chùa đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của nhiều người Việt. Có người thì chọn thời điểm sau giao thừa, sáng mùng một, có người lại dành cả tháng Giêng để đi lễ chùa. Những ngày gần đây, dòng người đổ về các chùa Bửu Lâm, Bảo Tịnh, Hồ Sơn cổ tự, Sắc Tứ Kim Cang, Nghĩa Phú… khá đông. Bà Nguyễn Thị Ngân (73 tuổi, phường 4, TP Tuy Hòa) nói: Năm nay, tôi đi chùa sớm để cúng sao hạn cho con cái, cầu mong mọi việc trong năm mới suôn sẻ, bình an. Còn tại một số nhà xe khách đường dài lại bắt đầu cuộc hành trình chở khách thập phương đi lễ chùa đầu năm ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương…
Không chỉ đi lễ chùa thắp hương, dường như ai đến chùa đầu năm cũng tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc đẹp trong ngày đầu năm mới nên tại các ngôi chùa trong tỉnh, cánh thợ chụp ảnh cũng nhờ vậy ăn nên làm ra. Anh Lộc, thợ chụp ảnh dạo tại chùa Bảo Tịnh cho biết: Đầu năm người dân ít đi dạo cảnh mà hay về chùa, nên năm nào tôi cũng đến chùa để chụp ảnh cho bà con, kiếm thêm thu nhập. Rất nhiều người chụp ảnh, đặc biệt là các em nhỏ theo ba mẹ lễ chùa, xúng xính quần áo mới, đẹp nên các gia đình không ngần ngại chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc đẹp.
Trong văn hóa tâm linh của người Việt, đầu năm lên chùa thắp hương, hái lộc không chỉ du xuân, tìm chút thanh thản, cầu mong sự bình yên trong năm mới mà đó còn là việc giữ gìn nét đẹp văn hóa tâm linh của đông đảo nhân dân. Nói về tục đi chùa đầu năm, thượng tọa Thích Thông Hòa, trụ trì chùa Bảo Tịnh cho biết: “Cửa chùa là nơi đón nhận tất cả những tấm lòng thành của mọi người muốn hướng về từ bi - hỷ xả. Tất cả những lời cầu mong sẽ linh nghiệm, nếu như trong mỗi con người ai cũng muốn hướng về cái đẹp, cái thiện trong cuộc đời này”.
KIM CHI