Hồi 13g ngày 20/2, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,0 độ vĩ Bắc; 120,5 độ kinh Đông, trên vùng biển Sulu (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39-61km/g), giật cấp 8, cấp 9.
Vị trí của áp thấp nhiệt đới - Ảnh: TTDBKTTV
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây - tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13g ngày 21/2, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,6 độ vĩ Bắc; 115,9 độ kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 450km về phía đông - đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62-74km/g), giật cấp 9, cấp 10.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển về phía tây - tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ đêm 20/2, vùng biển phía đông nam quần đảo Trường Sa có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Đề nghị các tàu thuyền đang hoạt động trên khu vực giữa và nam biển Đông cần chú ý theo dõi chặt chẽ các bản tin tiếp theo để có kế hoạch tránh trú kịp thời.
Theo TTDBKTTVPY