Thứ Sáu, 04/10/2024 16:26 CH
Triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Thứ Sáu, 25/01/2013 08:30 SA

Công tác giảm nghèo ở Phú Yên năm 2012 đã được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; một bộ phận hộ nghèo tổ chức sản xuất có hiệu quả và vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, số hộ tái nghèo vẫn chiếm tỉ lệ cao. Làm thế nào để giảm nghèo bền vững là vấn đề đang được các ngành chức năng tìm giải pháp thực hiện trong năm 2013.

 

bo130125.jpg

Chăn nuôi bò, mô hình giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo trong tỉnh - Ảnh: K.CHI

Tại cuộc họp UBND tỉnh về công tác giảm nghèo mới đây, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên Nguyễn Văn Lãng cho biết: Trong năm 2012, toàn tỉnh có hơn 6.200 hộ thoát nghèo và hơn 10.000 hộ thoát cận nghèo. Tuy nhiên, số hộ nghèo phát sinh mới có đến 3.864 hộ, hộ cận nghèo mới 6.709 hộ; do vậy tỉ lệ hộ nghèo năm 2012 chỉ giảm 1,27%, chưa đạt kế hoạch đề ra là 2-2,2%. Hiện Phú Yên còn 37.803 hộ nghèo.

 

Qua đánh giá, các địa phương đều đề ra mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo theo nghị quyết của cấp ủy và HĐND, nhưng chưa xây dựng kế hoạch cụ thể để đề ra các nhóm giải pháp phù hợp với từng hoàn cảnh và từng nhóm đối tượng, cũng như phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo, để hướng dẫn giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Mức cho vay phát triển sản xuất của hộ nghèo còn thấp so với nhu cầu. Theo quy định, mức cho vay hộ nghèo để phát triển sản xuất hiện nay tối đa không quá 30 triệu đồng, tuy nhiên mức cho vay thực tế hiện nay khoảng 12 triệu đồng/hộ (đạt khoảng 40% so mức vay tối đa), đã ảnh hưởng không ít đến quy mô tổ chức sản xuất của hộ nghèo, rất khó để hộ nghèo có điều kiện tổ chức sản xuất nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và thoát nghèo bền vững. Công tác đánh giá rà soát điều tra hộ nghèo tại một số địa phương chưa phản ánh sát với tình hình thực tế. So với mục tiêu đề ra chỉ có 5/9 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành mục tiêu về giảm tỉ lệ hộ nghèo trong năm 2012. Mặc dù số hộ nghèo có giảm nhưng chưa bền vững, thu nhập của đại bộ phận nhân dân còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nguy cơ tái nghèo cao.

 

Tại hội nghị về công tác giảm nghèo, nhiều đại biểu, lãnh đạo các địa phương cũng thừa nhận, hiện nay có tình trạng nhiều hộ không muốn thoát nghèo, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại để được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Có một bộ phận tìm cách lách chính sách để được hưởng các chế độ ưu đãi như tách hộ, tách khẩu, già yếu, sống một mình... lại rơi vào diện nghèo. Ông Ma Van, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Sông Hinh, cho biết: “Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hiện nay người nghèo được hưởng khá nhiều ưu đãi như: được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn học phí, hỗ trợ nhà ở, vốn vay, phương tiện sản xuất, tiền điện, tiền nước… nên nhiều người muốn được công nhận hộ nghèo, gây khó khăn trong công tác giảm nghèo. Việc quan tâm, hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn, phấn đấu làm ăn và vững tin vào cuộc sống là rất đáng trân trọng. Song, cũng cần làm rõ cho người dân thấy cái nghèo là cái cần thoát khỏi, cần vượt qua”. Còn ông Phạm Ngọc Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Tỉ lệ hộ nghèo phát sinh nhiều còn bị chi phối bởi một số nguyên nhân khác. Mặc dù có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư nhưng chưa đủ mạnh và thiếu đồng bộ nên đã hạn chế đến kết quả đầu tư. Nhiều chương trình dự án trên địa bàn cùng mục tiêu phát triển và giảm nghèo với nhiều nguồn vốn khác nhau nhưng lại điều hành theo từng cơ chế riêng với các đầu mối khác nhau và chưa có cơ chế phối hợp, lồng ghép để thực hiện hiệu quả…

 

Theo đồng chí Trần Quang Nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng bao chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, để giảm nghèo bền vững, phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 2-2,2% trong năm 2013, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh đề ra một số giải pháp, như tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành cũng như phòng ban và đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, nhất là đối với các chính sách có sự tham gia của nhiều ngành hoặc có sự lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau như xóa nhà tạm cho hộ nghèo, chính sách hỗ trợ giáo dục, chính sách bảo hiểm y tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con hiểu rõ hơn về chế độ bảo hiểm y tế tự nguyện; nâng mức cho vay đối với hộ nghèo lên 25 triệu đồng/hộ để họ có điều kiện sản xuất, có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng chương trình lồng ghép giữa giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như: chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn…; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với 15 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các xã được chọn xây dựng điểm trong giai đoạn 2011-2015.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek