Thứ Sáu, 04/10/2024 16:23 CH
Làm dịch vụ trong dịp tết:
Người lao động có thêm thu nhập
Thứ Năm, 24/01/2013 09:00 SA

Cận tết, gia đình nào cũng tranh thủ sắm sửa quần áo, giày dép cho người thân và sửa sang nhà cửa cho khang trang, sạch đẹp hơn với mong muốn có thêm nhiều may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Nắm bắt được nhu cầu này, khoảng đầu tháng Chạp trở đi, nhiều dịch vụ như đánh bóng lư đồng, may giày dép, sơn cửa... được dịp nở rộ, vừa phục vụ nhu cầu khách hàng vừa đem lại thu nhập khá cho nhiều lao động.

 

anh-cha-dong130124.jpg

Dịch vụ nhận chà lư đồng được nhiều lao động chọn trong dịp giáp tết - Ảnh: N.HÂN

Đầu tháng Chạp âm lịch, không khí pha chút se lạnh của những ngày giáp tết tràn về, làm nhiều người thêm náo nức. Dạo quanh các tuyến đường ở TP Tuy Hòa hay về các vùng quê, chúng ta có thể bắt gặp nhiều điểm nhận chà bóng lư đồng, may giày dép, nhận sửa quần áo, sơn cửa sắt… Không quá bận rộn như những chủ tiệm tạp hóa, các cửa hàng giày dép, quần áo phải dậy thật sớm để sắp xếp, trưng bày hàng hóa, những người làm dịch vụ này với thùng đồ nghề bày ra trên lề đường hay khu vực chợ, nơi đông dân cư buôn bán, bắt đầu ngày làm việc mới để có thêm đồng ra đồng vào.

 

Sớm hơn mọi năm, anh Trần Văn Dương đã bắt đầu chuẩn bị đồ nghề, treo bảng “Nhận chà lư đồng” cho khách trên đường Duy Tân (TP Tuy Hòa). Thấy nghề này chỉ bỏ vốn một lần, nhưng có thu nhập cao nên hai năm trước, anh Dương nhờ người quen hướng dẫn cách chà lư. Anh cho biết: Một mô tơ chà lư đồng khoảng hơn 1,5 triệu đồng, cộng thêm một số dụng cụ, vật liệu khác như bánh xe vải, thuốc đánh bóng, bột mì là có thể hành nghề được. Đây là cái tết thứ ba tôi làm nghề này, thu nhập cũng khá vì có nhiều mối quen. Mỗi ngày nếu đắt hàng, tôi có thể chùi khoảng 4 bộ lư lớn, nhỏ kiếm gần 500.000 đồng. Tuy tiền vô rủng rẻng, đồ nghề lao động đơn giản nhưng không phải ai cũng làm “ngon lành” được. Vợ chồng anh Nguyễn Bá Hải, ở xã Hòa An (Phú Hòa) quanh năm kiếm sống bằng nghề vá xe, còn chị vợ thì bán nước, tiền kiếm được vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, tranh thủ mở thêm dịch vụ chà lư đồng, vui vẻ cho biết: “Nghề này ngó vậy mà rất nhọc, lại hít bụi bặm. Bộ lư đồng loại lớn rất nặng, trong khi đó phải tỉ mỉ chùi từng bộ phận, chi tiết nên người thợ phải ngồi suốt gần 2 tiếng mới làm cho lư sáng đẹp đươc, không quen, rất dễ bị trầy xước tay. Do đó, nếu người nào sức khỏe không tốt và thiếu kiên trì thì khó mà làm khách hài lòng được”. Một bộ lư muốn chà sạch bóng phải mất hơn một giờ, bộ lớn tiền công 100.000-120.000 đồng, bộ nhỏ 60.000-80.000 đồng… Trung bình mỗi ngày anh chà từ 5-7 bộ, trừ chi phí mỗi đợt chà lư tết anh có dư khoảng 2-3 triệu đồng. Nhờ nghề chà lư đồng mà mấy năm nay, gia đình anh Hải có thêm số tiền kha khá để đón tết sung túc, ấm cúng hơn. Vì vậy khoảng mùng 10-12 tháng Chạp, vợ chồng anh đã treo bảng do nhiều khách hàng có nhu cầu đăng ký trước.

 

Vất vả không kém gì việc chà lư đồng, những người thợ may giày dép cũng tất bật hơn so với ngày thường. Theo thói quen của nhiều người dân, khi mua được một vật dụng, đều có nhu cầu bảo trì, sửa chữa để có thể dùng lâu bền. Nên khách tìm đến không phải chỉ khi đôi dép, đôi giày bị sứt quai, bung đế mà còn yêu cầu may bền chắc những đôi mình vừa mới mua. Người làm nghề chỉ cần trên 500.000 đồng là đủ để sắm những dụng cụ như dùi, kim, chỉ, búa, các loại keo, sáp, đế giày, gót giày… Nhìn những người thợ mân mê từng chiếc giày, dép trên tay, dù mới hoặc cũ vẫn cẩn thận, khéo léo từng đường kim mũi chỉ mới cảm nhận hết sự chu đáo, miệt mài nơi họ. Anh Đặng Quang Ánh, một trong những thợ may giày tại chợ Tuy Hòa, thông tin: Hiện ở chợ có trên 10 người như tôi. Mỗi đôi giày, dép may trong khoảng 15-25 phút, tiền công chừng 10.000-25.000 đồng, tùy loại khó hay dễ. Còn sửa những lỗi nhỏ như đóng lại đế giày hay dán gót thì tiền công chỉ 5.000 đồng. Không chỉ may, vá, còn có những thợ kiêm cả sửa và làm mới giày, dép. Anh Đinh Văn Phụng cũng là một thợ may giày tại chợ Tuy Hòa tiếp chuyện: “Nghề này chủ yếu chỉ kiếm ăn được vào dịp giáp tết thôi, còn ngày thường tụi tôi người thì chạy xe ôm, người đạp xe ba gác… Công việc đòi hỏi tỉ mỉ và khéo tay, những lớp đế giày cứng lại dày làm đau tay ghê gớm. Nếu bất cẩn bị kim đâm chảy máu là chuyện thường nhưng may riết, đôi tay bị chai dần nên càng về sau càng đỡ đau”.

 

Những người hành nghề dịch vụ nhỏ lẻ mà chúng tôi gặp được đa phần là lao động nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Họ mở các dịch vụ đơn giản, ít vốn, đặc trưng theo mùa, đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa có thu nhập nhanh và khá ổn định. Tết đến gần, những người thợ cần mẫn với công việc đang làm, điều mà họ thấy vui là khi biết sản phẩm do mình gia công, làm đẹp được người sử dụng ưng ý. Chính vì vậy, đối với họ, công sức bỏ ra không chỉ vì lợi nhuận thu vào mà còn góp phần tô điểm cho cuộc sống thêm ý nghĩa...

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek