Thứ Bảy, 05/10/2024 00:25 SA
Sông Hinh: Chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc
Thứ Bảy, 19/01/2013 08:00 SA

Huyện Sông Hinh hiện có khoảng 46.000 người với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46%. Đây là một trong những địa phương đa dạng về văn hóa các dân tộc. Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Sông Hinh đã thu được những thành quả tốt đẹp, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.

 

Chieng130119.jpg

Lễ hội cồng chiêng là một nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sông Hinh - Ảnh: A.NGỌC

Trong những năm qua, UBND huyện Sông Hinh đã triển khai thực hiện có hiệu quả đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Qua đó, Sông Hinh đã lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật, nhiều nhạc cụ truyền thống, trang phục dân tộc, nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục, giữ gìn và phát huy. Hàng năm, địa phương này còn tổ chức hội thao văn hóa các dân tộc, lễ hội đua thuyền truyền thống, tổ chức liên hoan cồng chiêng và biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Sông Hinh cũng phục dựng thành công lễ hội Cầu mưa của đồng bào dân tộc Ê Đê, thu hút hàng trăm nghệ nhân tham gia. Những nét đẹp trong truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tổ chức đám cưới, lễ bỏ mả, lễ cúng nhà mới, lễ cúng vòng đời, lễ đâm trâu, lễ cấp sắc… được giữ gìn và phát huy.

 

Trong sinh hoạt hàng ngày, đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc. Ông Lê Văn Sơn ở xã Sơn Giang, cho biết: “Cồng chiêng có thể sử dụng vào tất cả các dịp lễ hội, các ngày vui cũng như chia sẻ nỗi buồn, bộc lộ những cảm xúc của con người với thiên nhiên và cuộc sống. Cồng chiêng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở Sông Hinh”. Còn bà Đàm Thị Xanh, dân tộc Tày ở xã Ea Ly, bày tỏ: “Mỗi lần được mặc trang phục truyền thống trong dịp lễ hội, ngày tết, tôi thấy tự hào bởi đó là tinh hoa văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình từ ngàn xưa để lại. Tôi nghĩ, để có được bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc thì ông cha ta phải tích lũy qua hàng nghìn năm mới có được, nếu để mất bản sắc văn hóa thì coi như mất tất cả”.

 

Thời gian qua, Sông Hinh đã ưu tiên xây dựng nhà văn hóa cộng đồng ở các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 59 nhà văn hóa cộng đồng, trong đó có một nhà văn hóa cộng đồng cấp huyện. Huyện Sông Hinh đã phối hợp với Sở GD-ĐT mở hai lớp dạy tiếng Ê Đê cho cán bộ công chức, tạo điều kiện để cán bộ công chức của địa phương có điều kiện gần dân hơn, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2002 đến nay, Đài Truyền thanh truyền hình Sông Hinh đã xây dựng chương trình tiếng Ê Đê và phát sóng mỗi tháng 4 kỳ. Nội dung chủ yếu phản ánh những thay đổi của các buôn làng trong phát triển kinh tế, cách làm ăn mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với bà con. Ông Ma Vi, dân tộc Ê Đê ở xã Ea Bia, cho biết: “Nhờ chương trình phát sóng trên Đài Truyền thanh huyện mà chúng tôi biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt và chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Dân tộc Ê đê trên địa bàn huyện Sông Hinh chiếm tỉ lệ khá đông, các cấp lãnh đạo ở huyện cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện mở thêm nhiều lớp học tiếng Ê Đê cho cán bộ người Kinh, đồng thời duy trì và tăng thời lượng phát sóng chương trình bằng tiếng Ê Đê trên Đài Truyền thanh huyện”.

 

Theo Phó bí thư Huyện ủy Sông Hinh Lơ Mô Tu, việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian qua ở huyện đã thu được những kết quả nhất định, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong toàn xã hội. Nhiều phong trào cơ sở đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần ổn định chính trị, trật tự xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek