Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030. Trong đó đề ra chỉ tiêu đến năm 2015, phấn đấu tuổi thọ trung bình của người dân nước ta là 74 tuổi và 75 tuổi vào năm 2020.
Ảnh minh họa: Internet
Mục tiêu của chiến lược là mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Người dân được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Giảm tỉ lệ mắc bệnh tật, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số.
Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể là nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến, giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Phấn đấu đến năm 2015, 90% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động; 80% trạm y tế xã có bác sĩ hoạt động; trên 95% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi.
Bên cạnh đó, sẽ phát triển y tế ngoài công lập, tăng cường phối hợp công - tư. Cụ thể, tỉ lệ giường bệnh năm 2015 là 23 giường bệnh/10.000 dân và năm 2020 là 26 giường bệnh/10.000 dân. Trong đó, năm 2015, số giường bệnh viện ngoài công lập là 1,5 giường bệnh/10.000 dân, năm 2020 là 2 giường bệnh/10.000 dân.
Thực tế, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam trong những năm qua đã tăng lên đáng kể. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã đạt 72,8 tuổi (nam đạt 70,2 tuổi, nữ đạt 75,6 tuổi), vượt chỉ tiêu đề ra trong chiến lược bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2010 là 72 tuổi.
Với kết quả này, Việt Nam có tuổi thọ trung bình cao hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập GDP trên đầu dân.
Theo Chinhphu.vn