Tai nạn và thương tích (TN-TT) đối với trẻ em đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ có điều kiện được chăm sóc, giáo dục tốt hơn đang là mục tiêu của toàn xã hội, dù công tác này còn nhiều thách thức.
Cần chung tay giúp trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh - Ảnh: K.CHI
Việc phòng ngừa TN-TT là một trong những vấn đề xã hội ưu tiên trong kế hoạch phát triển 5 năm và giảm gánh nặng thương tích ở trẻ em là một trong những mục tiêu mà Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2015 đưa ra. Do vậy, các hoạt động nâng cao năng lực trong xây dựng, triển khai kế hoạch hành động về phòng chống TN-TT được thực hiện đều khắp và đồng bộ nhằm cải thiện sự an toàn cho trẻ em.
TN-TT để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, làm mất đi quyền sinh tồn và phát triển của trẻ, để lại nỗi đau về tinh thần cho các gia đình. Nhiều em bị tàn tật suốt đời và mất đi cơ hội phát triển như các bạn bè cùng trang lứa, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Theo thống kê, năm 2012 trên địa bàn Phú Yên có đến 47 trẻ bị đuối nước, tăng 25 trường hợp so với năm 2011, tập trung ở huyện Phú Hòa và Tuy An. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, để xảy ra tình trạng này là do nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về công tác phòng chống TN-TT còn hạn chế; các quy định về an toàn phòng chống TN-TT còn thiếu và chưa đồng bộ. Mặc dù tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, nhưng do địa hình của tỉnh có nhiều sông, suối, mương nước, việc tập bơi cho trẻ còn bất cập, thiếu sự quan tâm của người lớn nên tình trạng đuối nước ở trẻ em còn cao.
Trẻ em cần được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh - Ảnh: K.CHI |
Theo khảo sát mới nhất của Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, có đến 76% số người được hỏi cho rằng, nguyên nhân chính gây ra tình trạng đuối nước ở trẻ em là do không biết bơi. |
Một khảo sát của các ngành chức năng gần đây đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gây thương tích ở trẻ em. Cụ thể, trẻ em ở nhà một mình hoặc thiếu sự giám sát của người lớn, nhất là ở các vùng nông thôn, do cha mẹ không có thời gian chăm nom nên trẻ tự lo mọi việc. Mặc dù tại các vùng này, Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo - là môi trường an toàn cho trẻ, nhưng tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi đi mẫu giáo còn thấp do kinh tế của nhiều gia đình khó khăn. Theo ông Trần Ngọc Trắc, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), môi trường sống thiếu an toàn, nhất là đối với trẻ em sinh sống ở gần sông ngòi, kênh rạch, ao mương, biển hoặc ở những vùng có nguy cơ lũ lụt cao thường có nhiều nguy cơ bị đuối nước. Trẻ ở khu vực nông thôn luôn tiềm ẩn nguy cơ thương tích hơn ở khu vực thành thị, vì cơ sở vật chất phục vụ học tập, vui chơi cho trẻ còn hạn chế. Ngoài ra, những hoạt động hàng ngày của trẻ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, do môi trường xung quanh gây ra, như thuốc trừ sâu, điện, bếp thiếu an toàn, bom mìn, vật liệu nổ trong chiến tranh.
Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết: Bên cạnh những kết quả mang lại của việc triển khai thực hiện chính sách quốc gia về phòng chống TN-TT trên địa bàn tỉnh, công tác này còn nhiều hạn chế, thách thức khi tình trạng TN-TT ở trẻ em vẫn ở mức cao. Để đảm bảo cho trẻ phát triển trong môi trường an toàn, giai đoạn 2012-2015, Phú Yên tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống TN-TT trẻ em nhằm tạo sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và của toàn dân đối với công tác này.
KIM CHI