Thấy trong vùng có nhiều người mắc bệnh ung thư, đa số người dân thôn Nguyên Cam (xã Sơn Nguyên, Sơn Hòa) cho rằng nguồn nước sinh hoạt có vấn đề. Sau mấy mươi năm thiếu nước sạch cũng như sống trong cảnh lo lắng khi nghĩ rằng bệnh tật đều do nước gây nên, giờ người dân nơi đây đã được giải tỏa tâm lý khi có sự quan tâm của Nhà nước đến sức khỏe của họ. Nước sạch đã về thôn.
Không chỉ dùng nước trong ăn, uống, bà Tốt còn sử dụng nguồn nước này để trồng rau xanh - Ảnh: N.HUY
Trên tuyến quốc lộ 25 từ TP Tuy Hòa đến ngã ba Ngân Điền, rẽ phải theo đường liên xã khoảng hơn 3km, đi thêm khoảng 2km về hướng tây là đến thôn Nguyên Cam xã Sơn Nguyên. Trước mắt chúng tôi là một làng quê yên bình, thoáng mát và sạch sẽ. Tại đây, câu chuyện quá khứ và niềm vui hiện tại xen lẫn trong những câu chuyện khi người dân kể với khách xa.
MỘT THỜI BẤT AN
Giữa năm 1979, bà Đặng Thị Tốt cùng nhiều gia đình (quê ở Cam Ranh, Khánh Hòa) có mặt tại Nguyên Cam. Điều đầu tiên họ lo lắng cho cuộc sống ở đây là nguồn nước từ giếng đào có vị mặn. Song, gia đình bà cũng như những hộ khác đành phải chấp nhận nguồn nước này vì họ cũng không biết đi lấy nước sạch ở đâu. Vậy là nước để uống, nấu ăn hay các sinh hoạt tắm giặt hàng ngày đều phải dùng đến nước từ giếng đào ở đây. Ông Cường, con rể bà Tốt, nói: “Dùng nước nấu cơm thì hạt cơm khi chín có màu vàng. Bơm nước vào hồ chỉ trong một ngày là có lớp váng đóng trên mặt. Nước dùng tưới cây thì chỉ sau một tuần, cây bị rụng lá”. Còn các bà Hà Thị Nguyệt, Trần Thị Lệ Uyên thì cho biết: Vì dùng nước này nên nhiều đồ đồng mau bị xỉn màu. Tắm gội từ nước này thì tóc cứng, da rít nhám. Nước nấu để lâu thì trong ấm có lớp trắng như vôi đóng đầy mặt ấm.
Hơn 8 năm sau, người dân ở đây mới dừng việc nấu ăn và uống nước mặn, họ đến những nhà có giếng ở thôn Nguyên Hà để mua nước về dùng. Dự án UNICEP tài trợ mỗi nhà một chiếc lu to làm bằng xi măng để hứng nước mưa, song không hiệu quả vì mỗi năm mùa mưa chỉ có vài tháng, lại dễ sinh muỗi gây bệnh. Lúc ấy, tuy chưa có kết luận nào về nguồn nước, nhưng ở thôn mỗi khi có người chết vì bệnh ung thư là có tiếng thở dài của nhiều người. Bà Trần Thị Huệ ở tập đoàn 16, chết vì bệnh bướu hạch ở tuổi 53, phía trước nhà bà Tốt có ông Huỳnh Xuân Đào chết vì u hạch cổ ở tuổi 75, bên cạnh nhà con gái bà là ông Nguyễn Long Khoa chết vì ung thư dạ dày lúc 48 tuổi. Không chỉ vậy, đa số thanh niên bị hư răng, nướu răng sưng. Họ luôn mong muốn có nước sạch để đời con, đời cháu sống khỏe mạnh.
VUI VÌ CÓ NƯỚC SẠCH
Ông Võ Thiện Triết, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Nguyên, cho biết: Theo thống kê của trạm, hơn 10 năm qua toàn xã có 17 người mắc và chết do ung thư với đủ loại bệnh khác nhau như: dạ dày, u não, đại tràng, phổi… rải rác ở nhiều vùng. Số lượng bệnh này không bất thường để có thể kết luận gì liên quan đến nguồn nước. Song, niềm vui là 2 năm nay, Nhà nước đầu tư đưa nước sạch về Nguyên Cam. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng lên lấy mẫu nước kiểm tra hàng năm.
Ở tuổi 79, bà Đặng Thị Tốt hàng ngày chăm sóc vườn rau xanh. Bà bảo: “Mấy chục năm vất vả, nay nhờ Nhà nước quan tâm cho sử dụng nguồn nước sạch, tui trồng các loại rau phục vụ các bữa ăn hàng ngày. Hồi trước dùng nước giếng tưới cây khiến cây chết, còn nước mua thì khó mà trồng được rau xanh vì phải chở nước tận nơi xa, tôi không đủ sức. Trước kia, đi làm rẫy về không có giọt nước để uống, thậm chí phải nhịn khát qua đêm”. Bà Tốt còn cho biết, hiện những nhà chưa có được nước sạch thì họ đến lấy nước tại những nhà khác rồi đưa ít tiền. Dùng nước máy sạch hơn và không phải đi xa nên ai nấy đều vui.
Chị Nguyễn Diệp Phương Lan, con gái ông Nguyễn Cường phấn khởi cho rằng: “Tuy phải trả tiền nước mỗi tháng gần 100.000 đồng, nhưng hai năm nay gia đình tôi rất yên tâm”. Đặc biệt, chị Lan mới sinh em bé vài tháng, chị càng vui khi con mình cũng được dùng nước sạch. Còn bà Trần Thị Lệ Uyên, ở tập đoàn 20 vì kinh tế gia đình khó khăn nên mỗi tháng nhà bà dùng chưa hết 1m3 nước. Bà nói nước máy chỉ để uống và nấu ăn, còn mọi sinh hoạt khác phải dùng nước giếng.
Theo ông Huỳnh Minh Hùng, Trưởng thôn Nguyên Cam, tâm lý người dân cũng được giải tỏa khi biết nước giếng ở các hộ dân không có độc tố, còn nước sạch mới cấp thì có hàm lượng can xi hơi cao nên mọi người đun sôi rồi lọc để dùng. Người dân ở đây ngày càng ý thức hơn trong việc sử dụng nước sạch để bảo vệ sức khỏe.
Phó chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên Ngô Tấn Thái: Xã đang triển khai xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới, nên thôn Nguyên Cam được đầu tư công trình nước sạch để người dân yên tâm vui sống… cũng là niềm vui chung của lãnh đạo địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tự bảo vệ nguồn nước để giữ sức khỏe. |
NHẬT HUY - VŨ HOÀNG