Bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng trong thời gian qua, hiện các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, đạo đức lối sống của một bộ phận người dân và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tệ nạn mại dâm.
Theo các ngành chức năng, hiện nay, các đối tượng tội phạm lợi dụng sự ham chơi, đua đòi của một số học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và sự buông lỏng quản lý từ gia đình, nhà trường đã dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí dùng những thủ đoạn ép buộc nhiều học sinh chưa đến tuổi thành niên làm gái bán dâm. Từ đó dẫn tới tình trạng khách mua dâm phạm tội bởi các hành vi mua dâm với người chưa thành niên hoặc cấu thành tội hiếp dâm trẻ em, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Theo báo cáo của Đội kiểm tra liên ngành 814 của tỉnh, hoạt động mại dâm thông qua sự điều hành của chủ đường dây hay chủ nhà hàng, khách sạn và đối tượng môi giới mại dâm ngày càng gia tăng. Số gái bán dâm liên kết thành nhiều nhóm hoạt động đan xen nhau hay hình thành các đường dây liên tỉnh. Hoạt động mại dâm qua internet, điện thoại di động để nhắn tin mời chào, thỏa thuận, hẹn địa điểm mua bán dâm đang lan rộng ở nhiều nơi.
Trước thực trạng này, tỉnh Phú Yên vừa triển khai kế hoạch hành động về phòng, chống tệ nạn mại dâm. Theo đó, từ nay đến năm 2015, tỉnh tập trung tổ chức các chiến dịch tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống mại dâm trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, triệt phá các ổ nhóm hoạt động mại dâm; phối hợp với Đội công tác liên ngành 814 tổ chức kiểm tra, quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh văn hóa, du lịch nhằm ngăn chặn và xử lý các hành vi khiêu dâm, lưu hành văn hóa phẩm đồi trụy. Ông Nguyễn Phất, Phó giám đốc Sở LĐ- TB-XH Phú Yên, thành viên ban chỉ đạo về phòng chống tệ nạn mại dâm tỉnh cho biết: Thời gian tới, tỉnh lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm của chương trình hành động phòng chống mại dâm. Tập trung giải quyết tệ nạn mại dâm tại những địa bàn trọng điểm có nhiều tệ nạn mại dâm. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng chống tệ nạn mại dâm; lồng ghép các chương trình an sinh xã hội, gắn kết chặt chẽ với xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, không có tệ nạn xã hội, nhất là ở xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tội phạm mại dâm; đặt công tác phòng chống mại dâm trong mối quan hệ với phòng chống tội phạm về buôn bán người và lạm dụng tình dục trẻ em. Chú trọng đến các hoạt động trợ giúp người bán dâm là phụ nữ, trẻ em trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội, giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, thay đổi công việc..., tăng cường các giải pháp hỗ trợ tạo cho họ cơ hội thay đổi cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Tăng cường phối hợp với các tỉnh lân cận trong công tác phòng chống mại dâm với công tác phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và phòng chống lây nhiễm HIV. Phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức, phòng chống mua bán người vì mục đích mại dâm, lạm dụng tình dục, góp phần bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân... phấn đấu 100% xã, phường tổ chức tuyên truyền bằng hình thức phù hợp về phòng chống tệ nạn mại dâm, tác hại của tệ nạn mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong công tác phòng chống mại dâm. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đưa ra các giải pháp thực hiện, đó là đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động mại dâm và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; xây dựng các mô hình hỗ trợ, giảm tổn thương và phòng chống lây nhiễm HIV, tổ chức chữa trị, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho 100% số người bán dâm có hồ sơ quản lý bằng các hình thức phù hợp tại Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội hoặc cộng đồng…
HOÀNG LÊ