Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”, thời gian qua, bên cạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển đảo của tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác khai thác hậu cần tại chỗ, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC) nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội, bảo đảm hậu cần sẵn sàng chiến đấu và hậu cần thường xuyên cho các đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Ảnh minh họa - XUÂN HIẾU |
Với phương thức trên dưới cùng làm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã hỗ trợ một phần vốn tăng gia sản xuất, từng đơn vị huy động công sức bộ đội, khai thác vật liệu sẵn có, tận dụng triệt để các khu vực đất trống, áp dụng khoa học – kỹ thuật phát triển kinh tế VAC phù hợp với điều kiện, khí hậu của tuyến biển.
Đến thăm các Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), An Hải (Tuy An), Xuân Yên, Xuân Thịnh (TX Sông Cầu)…, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi được tận mắt chứng kiến những “vườn rau trên cát”, “ao cá trên vách núi”, “chuồng (trang trại) chăn nuôi heo rừng bên chân sóng” của những người lính mang quân hàm xanh. Như ở Đồn Biên phòng Xuân Thịnh, tuy gặp nhiều khó khăn bởi điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nước khan hiếm, đất cát nhiễm mặn, khô cằn, thời tiết khắc nghiệt… nhưng thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó...”, bằng ý chí của người lính “khó khăn nào cũng vượt qua”, đã trở thành nền nếp, cứ sau những giờ huấn luyện, tuần tra bảo vệ biên giới biển, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị lại vượt đường dài đưa đất thịt về thay đất cát, tổ chức ủ phân xanh, từng bước cải tạo, xây dựng thành vườn thuốc nam, vườn rau xanh giữa vùng gió, cát. Hay như Đồn Biên phòng An Hải (Tuy An), đứng chân ở địa bàn trước mặt là chân sóng, lưng tựa vào vách núi, nhưng những điều đó không thể “bó tay” những người lính quân hàm xanh trong hoạt động tăng gia sản xuất. Ngược lại, nơi đây nổi bật với mô hình “V” và “A”. Vườn rau và ao cá (trên vách núi) của đơn vị đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện bữa ăn hàng ngày cho bộ đội thêm “tươi” và “xanh”.
Tiêu biểu trong mô hình “C” là Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam. Năm 1999, đồn được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đầu tư hỗ trợ vốn xây dựng trang trại chăn nuôi heo rừng lai. Từ vài con giống ban đầu, qua mỗi năm số lượng cứ tăng dần. Đến nay, đàn heo rừng của đơn vị đã lên đến gần 30 con. Mỗi năm đơn vị thu lãi hàng chục triệu đồng từ việc cung cấp heo giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho các hộ dân. Đây cũng là đơn vị xây dựng được mô hình VAC khép kín. Đó là, lấy sản phẩm từ vườn (chuối cây), ao (bèo lục bình) để nuôi heo, gà, vịt...; tận dụng nguồn phân bón từ chăn nuôi để trồng rau, cây ăn trái… và thức ăn dư thừa để nuôi cá (trê, trắm…).
Theo số liệu thống kê của Phòng Hậu cần BĐBP tỉnh, từ đầu năm đến nay, các đồn biên phòng đã thu hoạch được gần 8,6 tấn rau, củ, quả; 508kg thịt gia cầm; gần 3 tấn heo hơi; gần 2 tấn hải sản và hơn 1.090 lít nước mắm. Tổng giá trị thu từ VAC hơn 250 triệu đồng. Hầu hết các đơn vị đã tự túc được trên 50% nhu cầu rau xanh; đưa thêm vào bữa ăn cho bộ đội đạt bình quân 1.300 đồng/người/ngày, góp phần bảo đảm quân số khỏe đạt 98,6%.
Mô hình VAC của BĐBP đã và đang được nhân rộng. Việc nhân rộng các mô hình này của những người lính quân hàm xanh không chỉ góp phần nâng cao đời sống của bộ đội mà đời sống của người dân vùng biển cũng từng bước được cải thiện. Từ đó, thế trận lòng dân được củng cố; niềm tin, tình cảm gắn bó máu thịt của bà con miền biển đối với BĐBP ngày càng bền chặt; phong trào quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới vùng biển, đảo của Tổ quốc được phát huy mạnh mẽ.
LẠC VIỆT