Thứ Hai, 07/10/2024 05:50 SA
Kịch tương tác được ưa chuộng
Thứ Sáu, 14/12/2012 08:10 SA

Kịch tương tác trong hoạt động truyền thông dân số có thể hiểu nôm na là một hình thức sân khấu hóa trong sinh hoạt truyền thông dân số. Khi vấn đề đưa ra còn có nhiều ý kiến khác nhau được dựng thành tiểu phẩm kịch và dừng nội dung cần thảo luận ở cao trào để khán giả cùng tham gia ý kiến. Người dẫn chương trình giữ vai trò quan trọng trong việc khuyến khích người tham gia cùng nhau trao đổi, qua đó định hướng nhìn nhận đúng vấn đề.

 

la-hai121214.jpg

Một tiểu phẩm kịch tương tác được sử dụng trong sinh hoạt của Câu lạc bộ Cha mẹ về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên thị trấn La Hai (Đồng Xuân) - Ảnh: T.DIỆU

Kịch tương tác phát huy tác dụng cao nhất trong môi trường sinh hoạt câu lạc bộ với một nhóm khoảng 60 người. Chính vì thế 32 Câu lạc bộ Cha mẹ về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên ở Phú Yên đã vận dụng hình thức truyền thông trong sinh hoạt. Chị Đặng Thị Mộng Hoàng, Chủ nhiệm câu lạc bộ Cha mẹ về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên phường 6 (TP Tuy Hòa) nói: “Trước đây, khi tuyên truyền chính sách dân số cần một tiểu phẩm kịch, kịch bản thường được ấn định sẵn nội dung một chiều. Đây chính là nguyên nhân gây ra sự nhàm chán vì thiếu tính tương tác với khán giả. Cách đây một năm, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh triển khai hình thức kịch tương tác, hiệu quả từ công tác truyền thông gia tăng hơn hẳn. Nội dung cần truyền đạt được chính chị em tham gia phát biểu ý kiến và thảo luận sôi nổi nên họ nhanh chóng hiểu và hiểu sâu vấn đề hơn”.

 

Nhận thấy hiệu quả của kịch tương tác mang lại trong hoạt động truyền thông dân số, nên hiện nay tại các địa phương, trong các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa của học sinh trong trường học; các buổi sinh hoạt ở các câu lạc bộ Kế hoạch hóa gia đình, Nam nông dân phát triển…; trong các hoạt động mở màn chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đều vận dụng kịch tương tác vào trong sinh hoạt.

 

Ông Trần Cao Phong, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Phú Yên nói: “Nhìn các em học sinh vỗ tay hoan hô khi kết thúc cao trào một vở kịch và giơ cao tay phát biểu ý kiến về các vấn đề sức khỏe sinh sản, tôi nhận thấy rõ ý nghĩa tích cực của kịch tương tác trong công tác truyền thông. Đây là một hình thức dễ xem, dễ nghe giúp người tham gia dễ dàng nhập cuộc và có cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề đặt ra”.

 

Nhiều hoạt động truyền thông dân số đặc biệt là ở tuyến cơ sở, kịch tương tác được xem là “cứu cánh” giúp gia tăng hứng thú trong sinh hoạt và thu hút thêm người tham gia. Chính vì vai trò then chốt đó nên những câu lạc bộ có đầu tư tổ chức tập kịch tạo ra hiệu quả truyền thông cao.

 

Ông Lê Văn Bi, Phó phòng Truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên) nói: “Hiện nay, nhận thức và hiểu biết của cha mẹ và vị thành niên, thanh niên tại các Câu lạc bộ Cha mẹ về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên đã nâng cao một phần nhờ vào sự thành công của loại hình kịch tương tác. Kịch tương tác đã lan ra ngoài sinh hoạt câu lạc bộ, cho thấy tác động rõ rệt mà loại hình sân khấu hóa này mang lại. Tôi hy vọng, các nhóm sinh hoạt vận dụng hiệu quả hình thức này trong hoạt động thông tin, tuyên truyền”.

 

TUYẾT TRẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek