Thứ Hai, 07/10/2024 09:16 SA
Tầm quan trọng của tư vấn xét nghiệm tự nguyện
Thứ Ba, 11/12/2012 10:30 SA

HIV/AIDS là căn bệnh thế kỷ đã cướp đi hàng triệu sinh mạng của con người. Hiện nay, HIV không chỉ lây ở những người có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn mà còn ở cả cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên…

 

tu-van-121211.jpg

Tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại một cơ sở y tế - Ảnh: Q.NHƯ

Để hạn chế sự lây lan của bệnh, trong những năm qua, nhiều chương trình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS đã được triển khai từ trung ương đến địa phương như: Dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, Chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS, Chăm sóc các đối tượng bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS…, trong đó Tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS là một trong những chương trình dự phòng lây nhiễm đã được triển khai ở một số tỉnh, thành phố và mang lại hiệu quả cao.

 

Điều mọi người lo lắng là sự kỳ thị của người thân và cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS. Vì thế, những người có nguy cơ, người nghi ngờ mình bị nhiễm không dám tìm đến các trung tâm y tế, bệnh viện để xét nghiệm vì sợ gặp người quen, sợ người khác nghĩ mình có nguy cơ hoặc đã mắc bệnh này rồi. Nhiều người trong số họ sẽ tự khép mình, tự cô lập bản thân với xã hội dẫn đến suy sụp về tinh thần. Cũng có những người lại bất chấp, lao vào cuộc sống buông thả - đó sẽ là nguồn lây cho nhiều người khác nếu quả thật người đó đã nhiễm HIV.

 

Xuất phát từ những yếu tố trên, tư vấn xét nghiệm tự nguyện ra đời đã và đang được áp dụng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nhân viên làm công tác tư vấn xét nghiệm tự nguyện có nhiệm vụ tư vấn, thuyết phục để các cá nhân tự nguyện làm xét nghiệm HIV, phân tích nguy cơ lây nhiễm và đưa ra kế hoạch giảm nguy cơ để phòng tránh lây truyền. Đối tượng tư vấn là tất cả mọi người, từ những người có nguy cơ lây nhiễm cao (người nghiện ma túy, quan hệ tình dục không an toàn) đến những người không có nguy cơ, muốn tìm hiểu và làm xét nghiệm về HIV. Mọi khách hàng hoàn toàn được giữ bí mật về tên, tuổi và tình trạng của mình. Nếu kết quả âm tính (-), sẽ được tư vấn tiếp để tránh các hành vi nguy cơ; nếu kết quả dương tính (+) thì đây cũng là nơi tư vấn giúp họ vượt qua khủng hoảng tinh thần, hoạch định cuộc sống mới, có biện pháp an toàn, chăm sóc điều trị, góp phần quan trọng trong việc phòng chống HIV/AIDS, bảo vệ mình và người thân.

 

Nếu người nhiễm HIV ổn định tư tưởng, xác định được mục tiêu trong cuộc sống, khao khát được sống và cống hiến, có chế độ chăm sóc bản thân tốt thì có thể kéo dài cuộc sống như người bình thường. Trên thế giới đã có trường hợp người nhiễm HIV sống đến 70 tuổi. Ở Việt Nam, người nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1993 đến nay vẫn còn sống.

 

Chúng ta không thể phân biệt được người nhiễm HIV với người không nhiễm, nếu chỉ căn cứ vào các biểu hiện bên ngoài. Trong sinh hoạt thường ngày, chúng ta tiếp xúc với rất nhiều người: đồng nghiệp, bà con họ hàng, người đi đường, người bán hàng..., những người ta đã quen hay chưa từng quen (chưa kể đến những đối tượng có hành vi nguy cơ cao như người nghiện hút, mại dâm, người nghi ngờ nhiễm HIV…), chúng ta không thể biết là họ có nhiễm vi rút HIV hay không. Vì thế, xét nghiệm là phương pháp tốt nhất, tiện lợi nhất giúp khẳng định một người có bị nhiễm HIV hay không.

 

LÊ THỊ MẬN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek