Ngày 8/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB-XH đã tổ chức hội nghị tổng kết 18 năm thi hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và định hướng triển khai đến năm 2020.
Báo cáo tổng kết 18 năm thi hành pháp luật về ATVSLĐ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Bùi Hồng Lĩnh cho biết: Sau 18 năm, kể từ khi Nhà nước công bố hiệu lực thi hành Bộ luật Lao động, việc thể chế hóa bằng các văn bản dưới luật về pháp luật lao động nói chung và về lĩnh vực ATVSLĐ nói riêng đã được ban hành tương đối đầy đủ đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản dưới luật còn chậm; sự bất cập, chồng chéo, phân tán của hệ thống pháp luật về ATVSLĐ hiện nay gây khó khăn cho việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; đội ngũ thanh tra vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chất lượng. Trong khi đó, việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay còn rất yếu kém; kinh phí đầu tư cho công tác bảo đảm ATVSLĐ của doanh nghiệp còn hạn hẹp…
Định hướng triển khai nhiệm vụ và các biện pháp về ATVSLĐ giai đoạn 2013-2020, Bộ LĐ-TB-XH xác định, trước mắt cần hoàn thiện pháp luật ATVSLĐ, xây dựng Luật ATVSLĐ với định hướng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ người lao động; tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về ATVSLĐ; hoàn thiện hệ thống tổ chức và tăng cường hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức triển khai phổ biến, hướng dẫn đầy đủ và nghiêm túc các quy định Pháp luật về ATVSLĐ, phòng cháy chữa cháy; tăng cường giám sát ô nhiễm môi trường lao động, từng bước cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa ATVSLĐ; bảo đảm có đủ phương tiện cá nhân thiết yếu, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng và chủng loại các phương tiện bảo vệ cá nhân; tăng cường pháp chế về ATVSLĐ; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Đặc biệt, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nội dung ATVSLĐ để người sử dụng lao động, người lao động thấy được lợi ích to lớn, lâu dài của việc đảm bảo ATVSLĐ, giảm nhẹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thi hành pháp luật về ATVSLĐ nơi đơn vị mình quản lý, từ đó chỉ ra những hạn chế,thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện; các vướng mắc, bất cập trong các việc triển khai quy định, văn bản hướng dẫn về ATVSLĐ và đề xuất những biện pháp khắc phục. Trên cơ sở này, các đại biểu thống nhất cho rằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật ATVSLĐ là cần thiết, quan trọng nhằm góp phần cải thiện môi trường, điều kiện lao động, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo ĐCSVN