Ở những vùng biển, phần lớn kinh tế gia đình đều dồn trên đôi vai những người đàn ông. Chẳng may mất đi người chồng “trụ cột kinh tế” gia đình, nhiều người vợ phải một thân một mình bươn chải giữa muôn vàn khó khăn…
Phụ nữ làng biển phường 6 (TP Tuy Hòa) khiêng cá thuê để cải thiện cuộc sống gia đình - Ảnh: N.DUNG
Phú Yên hiện có trên 24.000 lao động trên biển. Hầu hết, những ngư dân này quanh năm suốt tháng phải đối mặt với không ít hiểm nguy với thời tiết khắc nghiệt trên biển và rủi ro, tai họa rình rập khắp nơi giữa khơi xa. Nếu bình yên trên những chuyến biển thì cuộc sống của những người dân làng biển không đến nỗi nào, còn ngược lại thì cả một “đòn chí tử” giáng xuống cho cả gia đình. Câu chuyện về những người đàn ông làm nghề biển bị chết, bị tai nạn lao động trên biển khiến nhiều gia đình phải lâm vào cảnh bần hàn. Đằng sau những nỗi đau, mất mát ấy là cuộc sống và tương lai của những người vợ và con cái họ.
Mất đi người chồng “trụ cột kinh tế” gia đình, nhiều người vợ phải một thân một mình bươn chải giữa muôn vàn khó khăn để nuôi con nhỏ. Chị Trần Thị Tuyết Hạnh (phường 6, TP Tuy Hòa) là một trong số những phụ nữ bất hạnh ấy. Chồng chị Hạnh, anh Mai Thành Đô dù chỉ ở vào tuổi 40 nhưng đã hơn 19 năm làm nghề đi bạn (đi biển thuê). Nhà nghèo, vợ chồng không nghề nghiệp, vốn liếng, mọi khoản chi phí trong gia đình đều “ngó chừng” hết vào số tiền đi biển thuê của anh Đô. Cách đây một năm, anh Đô cùng nhiều ngư dân khác bị tàu nước ngoài bắt giữ, sau thời gian đó anh trở về nhưng sức khỏe mỗi ngày một yếu. Nếu như gia đình khá giả thì khi sức khỏe “có vấn đề”, người ta sẽ nghỉ đi biển, còn anh Đô vẫn gắng gượng đi bạn để kiếm tiền nuôi con. Do lao lực quá nhiều, anh Đô bị bệnh mỗi ngày một nặng rồi mất. Chị Hạnh nghẹn ngào: “Nghĩ mà tội và thương ba tụi nhỏ quá chừng. Ảnh là người sống hết lòng với vợ con. Từ ngày ảnh mất, một mình tui “chèo chống” nuôi bốn đứa con cơ cực trăm bề”. Vậy nhưng số tiền ít ỏi mà chị Hạnh kiếm được hàng ngày từ công việc vá lưới, khiêng cá thuê từ 50.000-100.000 đồng chỉ như “muối bỏ bể” chẳng thấm tháp vào đâu so với các khoản chi tiêu trong gia đình. Hiện tại, hai đứa con lớn của chị đã nghỉ học để đi bạn cho người ta. “Mong ước bấy lâu nuôi các con học hành đến nơi đến chốn của tôi và chồng tôi ngày còn sống đã không thể thành hiện thực”, chị Hạnh nói buồn bã.
Chị Bùi Thị Xê ở phường 6 cũng có chung nỗi vất vả như chị Hạnh. Chồng chị Xê bị bệnh tai biến sau những tháng ngày lênh đênh ngoài biển khơi. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, đảm nhận việc “kiếm cơm” cho gia đình, bây giờ anh Thạnh chẳng còn làm được gì để đỡ đần vợ con. Hiện tại, chị Xê vừa phải chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi vừa phải đi làm thuê để lo thuốc thang cho chồng, nuôi các con ăn học. Chị Xê ngậm ngùi nói rằng, không biết một mình chị sẽ chống chọi được với khó khăn của gia đình được bao lâu, nhưng chị sẽ cật lực cố gắng làm lụng lo cho các con có cái chữ để cuộc sống của chúng không phải khổ sở như cha mẹ chúng.
Rời khỏi làng biển giữa một buổi chiều đông lạnh khi cơn mưa giăng kín khắp nơi, chúng tôi mang theo niềm mong ước bình dị của người mẹ nghèo với không ít xót xa, nhất là khi được biết thêm nhiều câu chuyện buồn về những ngư dân khác như Trần Duy Cường, Phan Công, Trần Ngọc... bị chết giữa biển khơi do tàu gặp nạn.
Chị Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN phường 6, trăn trở: Với những gia đình khó khăn khi có người thân gặp nạn trên biển, họ rất cần sự trợ giúp của cộng đồng để vươn lên thoát đói nghèo. Riêng tổ chức hội, việc làm cho phụ nữ vùng biển lâu nay luôn là điều khiến chúng tôi vô cùng trăn trở. Thông qua chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình như khai thác vốn vay, vận động chị em tương trợ giúp nhau làm kinh tế, chúng tôi cũng đặc biệt lưu tâm đến những hộ phụ nữ khó khăn để giúp họ vượt qua nỗi khốn khó, vươn lên có một cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên nguồn vốn của hội cũng có hạn, thế nên cũng chỉ có thể giải quyết một phần nào đó cho một số ít chị em để họ cải thiện cuộc sống gia đình mà thôi…
THỦY VĂN