Thứ Tư, 09/10/2024 17:23 CH
Việt Nam hướng tới “Không còn người nhiễm mới HIV”
Thứ Ba, 13/11/2012 14:00 CH

Nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2012 với chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”, Phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã trao đổi về những nội dung xoay quanh chủ đề này và những đáp ứng của Việt Nam đối với vấn đề liên quan đến Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu năm 2012.

 

Sep-Long121113.jpg

Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Thanh Long thăm và trò chuyện với một bệnh nhân - Ảnh: N.VIỆT

* Thưa Thứ trưởng, được biết đây là năm thứ hai Liên Hợp Quốc chọn chủ đề Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu là “Getting to Zero” - hướng tới mục tiêu “ba không”. Việt Nam hưởng ứng chiến dịch này như thế nào?

 

- Vào tháng 6/2011, tại hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS-PV) đã chọn chủ đề chung cho các chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là “Getting to zero”, nghĩa là “Hướng tới mục tiêu ba không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.

 

Từ mục tiêu “ba không” của Liên Hợp Quốc, năm 2011, chúng ta đã chọn “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” để làm chủ đề chính cho Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Sau một năm thực hiện, sau khi tổng kết, đánh giá lại hoạt động, chúng tôi nhận thấy, chiến dịch năm 2012 này vẫn cần phải nhắc lại chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.

 

Chúng ta tiếp tục chọn chủ đề này xuất phát chủ yếu từ tình hình thực tế. Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tuy đã được kiềm chế ở mức dưới 0,30% trong cộng đồng dân cư và trong vòng 4 năm trở lại đây, chúng ta luôn đạt được “ba giảm”: giảm số người nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS”. Tuy nhiên, số người mới phát hiện nhiễm HIV hàng năm vẫn còn nhiều. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, chúng ta đã phát hiện thêm 5.927 người nhiễm HIV, bình quân mỗi tháng phát hiện được gần 1.000 người nhiễm. Đồng thời với sự tiếp tục gia tăng về số lượng, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam cũng tiếp tục lan rộng về địa dư, đến hết tháng 6 năm 2012, có hơn 78% số xã, phường, hơn 98% số quận, huyện và 100% tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS... Đà lây lan này của HIV cần phải tiếp tục được ngăn chặn.

 

Trong khi đó, một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS. Hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao; tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục trước và ngoài hôn nhân vẫn diễn ra ở mức đáng lo ngại, đặc biệt là khi xu hướng lây truyền HIV qua các kiểu quan hệ tình dục ngày càng gia tăng. Bằng chứng là 6 tháng đầu năm 2012, lần đầu tiên chúng ta phát hiện được số người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục cao hơn so với số người bị lây nhiễm vi rút này qua đường máu… Điều đó có nghĩa là, mặc dù chúng ta đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn.

 

Do vậy kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng, tiếp tục làm giảm nhanh, tiến tới “không còn người nhiễm mới HIV” vẫn là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5 năm 2012.

 

* Về cơ bản, trong 4 năm gần đây chúng ta đã đạt được “ba giảm”. Thứ trưởng có thể cho biết chúng ta đã làm gì để đạt được điều đó?

 

- Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm đương đầu với HIV/AIDS. Đây là một chặng đường đầy gian nan, vất vả nhưng chúng ta đã rất nỗ lực vượt qua để triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS một cách mạnh mẽ, quyết liệt và đều khắp trên tất cả các lĩnh vực.

 

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã sớm hình thành hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương tới cơ sở và đang từng bước củng cố, hoàn thiện hệ thống này.

Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được ưu tiên chú trọng, cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt là đã có nhiều giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân đều có cơ hội và có thể tham gia phòng, chống HIV/AIDS ở các cấp độ, mức độ khác nhau thông qua phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và nhiều sự kiện truyền thông hấp dẫn khác.

 

Các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều kết quả nổi bật. Các hoạt động tiếp cận cộng đồng, truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su đã phát huy tác dụng.

 

Chúng ta đã thí điểm thành công và đang mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Tổng số bệnh nhân đang điều trị hơn 10.000 người.

 

Chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV đã tập trung triển khai tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện với các gói dịch vụ chăm sóc kết hợp giữa cơ sở y tế với dịch vụ chăm sóc dựa vào gia đình và cộng đồng. Tính đến 31/6/2012, cả nước có 67.057 người được tiếp cận điều trị ARV. Tốc độ tăng trưởng bệnh nhân điều trị ARV trung bình là 950 bệnh nhân/tháng.

 

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng đã được thúc đẩy mạnh trong vòng 3 năm trở lại đây với các hoạt động từ truyền thông nâng cao đến cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ tuyến trung ương đến tuyến cơ sở... Chúng ta đã làm giảm đáng kể tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, có địa phương tỉ lệ này đã giảm xuống dưới 5%...

 

Nhờ tất cả những nỗ lực đó, trong gần bốn năm trở lại đây, chúng ta đã đạt được “ba giảm” như tôi đã đề cập ở trên và chúng tôi có thể khẳng định rằng, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tích cực.

 

* Phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, theo Thứ trưởng, trong thời gian tới, chúng ta phải làm những gì để hướng tới mục tiêu “Không còn người nhiễm mới HIV”?

 

- Nhiều việc phải làm lắm, nhưng có thể tóm tắt thế này: Để hướng tới mục tiêu “không còn người nhiễm mới HIV”, chúng ta phải đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

 

Thứ nhất: Thu hút sự quan tâm và tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng... về phòng, chống HIV/AIDS;

 

Thứ hai: Tiếp tục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người;

 

Thứ ba: Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và tăng cường quảng bá các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ thay đổi hành vi, thực hiện hành vi an toàn tự phòng tránh lây nhiễm HIV đến mọi người dân;

 

Thứ tư: Tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta nói chung và “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” nói riêng;

 

Thứ năm: Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV;

 

Thứ sáu: Huy động được các nguồn lực đảm bảo cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là khi các nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm.

 

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

NGUYỄN VIỆT CƯỜNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek